Theo quy định, trước khi phát hành thêm CP ra công chúng, Cty niêm yết và cả Cty đại chúng phải xin ý kiến và chờ được sự chấp thuận của UBCKNN nhưng rất nhiều DN trong khối Cty đại chúng vẫn đánh bài lơ, tức phát hành xong rồi mới có lời, để rồi lãnh “phạt”.

“Thà bị phạt còn hơn…”

Ngày 24/4/2008, Chánh Thanh tra UBCKNN ký Quyết định số 42/QĐ-TT về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Xây dựng điện VNECO 1.

Công văn này nêu rõ:

Trong thời gian từ tháng 5-6/2007, VNECO 1 đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng và phân phối chứng khoán không đúng quy định, vi phạm pháp luật về CK và TTCK. Cty VNECO 1 còn có nhiều sai phạm và thiếu sót trong quá trình thực hiện phát hành, trái với quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

Theo đó, xét tính chất và mức độ vi phạm, phạt tiền 40.000.000 đồng đối với VNECO 1 do vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định số 36/2007/NĐ-CP.

Trường hợp như của VNECO chỉ là một trong số rất ít các văn bản xử phạt UBCKNN liên tục công bố trong thời gian qua.

Thống kê cho biết: Năm 2007 đã có 190 DN đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng và cũng có một số đáng kể (UBCKNN chưa thống kê) các DN bị phạt vì vi phạm phát hành.

Phân tích “lỗi” bị phạt cho thấy có các dạng chủ yếu sau đây: Doanh nghiệp vi phạm do thiếu hiểu biết.

Đơn cử: có Cty mía đường do ở tận vùng sâu vùng xa chưa đủ điều kiện thành công ty đại chúng, thậm chí không có nối mạng Internet nên những thông tin, quy định của luật họ cũng không cập nhật được. Đến lúc có công văn gửi phạt thông báo họ mới biết mình sai.

Hoặc có DN do kế hoạch huy động và sử dụng vốn cần gấp, nên cố tình chọn: thực hiện chào bán trước, xin phép sau rồi chịu phạt. Gần đây nhất là các trường hợp xử phạt của UBCKNN với Cty CP Cảng Đình Vũ và Cty CP Ngoại thương và Phát triển đầu tư T.P HCM (FIDECO).

Còn một “dạng” nữa rất cần nhắc đến, đó là DN có kết quả làm ăn không thực sự hiệu quả, chỉ muốn lợi dụng cổ đông tranh thủ thị trường để phát hành. Nhiều DN trong số đó thừa biết họ sẽ không “qua mặt” được UBCKNN nếu trình phương án phát hành lên, thế nên họ chọn cách “sự đã rồi..!”

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận thẳng thắn: Lý do chính khiến tình trạng vi phạm trong phát hành chứng khoán ngày càng nở rộ đó là mức xử phạt (gồm: phạt tiền từ 5 triệu đồng vài chục triệu đồng và nhắc nhở) hiện tại là quá nhẹ.

So với trên thế giới mức phạt tương tự sẽ là đình chỉ phát hành, Chánh thanh tra UBCKNN Hoàng Đức Long thừa nhận” hình thức xử lý ở mức hủy phát hành tuy có thể hiệu quả về mặt răn đe, nhưng khó có thể áp dụng triệt để ở Việt Nam, bởi có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến vấn đề an sinh xã hội và có thể chưa phù hợp trong điều kiện hiện nay”.

“Chất lượng” cổ phiếu phát hành thêm - Cần cảnh giác

Tại CV số 500/UBCK-TTr gửi Bộ trưởng các Bộ, các cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch HĐND,UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW về việc thực hiện quy định pháp luật về chào bán chứng khoán ra công chúng cuối tháng 3 vừa qua, UBCKNN cũng đã nhấn mạnh rất nhiều đến việc có rất nhiều DN đã tự ý thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng mà không đăng ký với UBCKNN và không tuân thủ các quy định của Luật Chứng khoán, đặc biệt là các DN nhỏ chưa đủ điều kiện để thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng, cụ thể: chưa đáp ứng điều kiện về mức vốn điều lệ tối thiểu 10 tỷ đồng; chưa đáp ứng các điều kiện quy định về kinh doanh có lãi, không có lỗ luỹ kế hoặc chưa có đủ phương án phát hành, phương án sử dụng vốn và được Đại hội đồng cổ đông thông qua theo quy định tại Điều 12 Luật Chứng khoán.

Thực tế trong thời gian vừa qua cho thấy không chỉ nhiều Cty đại chúng mà cả không ít những DN đang niêm yết lợi dụng sự “dễ dãi” của cổ đông và các nhà đầu tư để tranh thủ phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Ai cũng hiểu, trong bối cảnh nền kinh tế phát triển, việc DN tăng vốn mở rộng sản xuất kinh doanh là điều tất yếu nhưng về nguyên tắc vịêc tăng vốn sẽ làm giá cổ phiếu bị pha loãng, xuống giá. Cùng với đó, là mức lợi nhuận trên mỗi đồng vốn, cổ tức chia cho cổ đông cũng sẽ bị đe doạ giảm theo.

Bình luận về thực tế này, một chuyên gia CK đã phân tích những hệ luỵ có thể xảy ra:

“Nếu DN tăng vốn mà không có lộ trình phát triển sản xuất kinh doanh, không tập trung đồng vốn huy động được từ cổ đông vào sản xuất và thế mạnh của mình; phát hành chứng khoán huy động vốn rồi đầu tư vào dự án quá dàn trải, không có sự phân tán rủi ro trong đầu tư, chẳng hạn như DN điện lạnh sau khi huy động vốn lại chủ yếu đầu tư vào tài chính dẫn đến không còn là DN điện lạnh nữa, hay DN giấy lại đầu tư vào các ngành nghề bất động sản, kinh doanh hàng hóa khác…cũng dẫn đến DN ngành giấy mà không phải giấy nữa thì trước tiên chất lượng cổ phiếu đã bị ảnh hưởng, rồi dẫn đến hệ quả kết quả kinh doanh kém và cuối cùng cả DN và nhà đầu tư đều phải gánh thiệt thòi”.

(Theo TienPhong)