Giá SAM hiện nay còn thấp hơn thời điểm VN-Index rơi xuống 400 điểm. Đây chính là những cổ phiếu tốt được cầm cố nhiều nhất và cũng là những “tội đồ” khiến VN-Index liên tục sụt giảm.

Thời điểm nhiều nhất, các NHTM cho vay kinh doanh chứng khoán khoảng 20.000 tỷ đồng so với tổng tài sản 2 triệu tỷ đồng (chiếm 1%), thời điểm hiện nay khoảng 9.000 - 10.000 tỷ đồng (khoảng 0,5% tài sản), bởi các ngân hàng đẩy mạnh giải chấp cổ phiếu cầm cố và điều này càng khiến TTCK sụt giảm.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đây không phải là tỷ lệ cao, các NHTM hoàn toàn có thể chịu đựng được trong giai đoạn hiện nay để ngưng giải chấp.

Trong khi đó, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN cho vay tái chiết khấu với lãi suất 9%/năm khi NHTM thiếu thanh khoản tạm thời.

Sau khi TTCK tăng điểm liên tục, chủ yếu nhờ biên độ giao dịch được thu hẹp thì thị trường lại liên tục sụt giảm khi biên độ được nới rộng. Nhiều lệnh lớn bán giá sàn ngay từ đầu phiên đã được tung ra, nhà đầu tư có cơ sở nghi ngại về một đợt giải chấp tiếp theo của các NHTM, nhất là vốn huy động của nhiều ngân hàng đang gặp khó khăn, nếu không giải chấp thì ngân hàng sẽ gặp rủi ro cao.

Còn nhà đầu tư thì không còn tiền để bổ sung khoản ký quỹ, nếu được ngân hàng cho vay thì lãi suất quá cao, nhưng nếu bán đi thì “mất cả chì lẫn chài”.

Cách đây 6 tháng, nhà đầu tư có 1.000 cổ phiếu REE trị giá 150 triệu đồng, cầm cố số cổ phiếu này có thể vay ngân hàng 60 triệu đồng. Nhưng không ai ngờ giá cổ phiếu REE hiện nay chỉ còn 52.000 đồng, ngoài việc phải đóng thêm tiền nếu giờ đây hợp đồng hết hạn, nhà đầu tư sẽ trắng tay vì tiền bán cổ phiếu thậm chí không đủ để trả ngân hàng.

Điều này có thể lý giải tại sao một loạt cổ phiếu blue-chip một thời như REE, SAM, GMD, FPT, SSI… giảm đến những mức giá không thể ngờ.

Giá SAM hiện nay còn thấp hơn thời điểm VN-Index rơi xuống 400 điểm giữa năm 2006. Đây chính là những cổ phiếu tốt được cầm cố nhiều nhất và cũng là những “tội đồ” khiến VN-Index liên tục sụt giảm.

Thực tế là, nếu hàng trăm hộ dân thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng để trồng hay nuôi con gì đó mà trong trường hợp thất bại thì ngân hàng hầu như bó tay trong việc thu hồi nợ hay giải chấp, vì không thể đuổi họ ra đường.

Nhưng đối với chứng khoán, ngân hàng dễ dàng đem số cổ phiếu cầm cố của hàng trăm nhà đầu tư bán với giá sàn. Với giá trị cầm cố là 10.000 tỷ đồng thì mất bao nhiêu phiên mới giải chấp hết trong khi tính thanh khoản hiện nay rất yếu, VN-Index sẽ đi về đâu?

Để ngăn chặn làn sóng giải chấp này, NHNN phải can thiệp, thay vì cho các ngân hàng vay với lãi suất chiết khấu 9%/năm, NHNN sẽ dùng khoản vay này gia hạn những hợp đồng cầm cố, repo đến thời điểm phải giải chấp.

Các NHTM được vay với lãi suất 9%/năm từ NHNN, sau đó gia hạn hợp đồng cho nhà đầu tư với lãi suất không quá 12%/năm (NHTM hưởng lợi 3%/năm). Nhà đầu tư sau những tháng ngày thua lỗ sẽ yên tâm phần nào với lãi suất ưu đãi.

Với dư nợ cho vay như hiện nay của NHTM, nếu trừ đi các khoản vay cầm cố trên thị trường OTC thì khoản tiền mà NHNN bỏ ra cho vay là không lớn. Những hợp đồng được gia hạn sẽ không còn tình trạng giải chấp, điều này giúp thị trường không bị thừa cung và gây tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư.

(Theo DTCK)