Khi cổ phiếu các ngành tài chính, bất động sản mất đi tính hấp dẫn vốn có thì những ngành sản xuất có tính đặc thù như ngành dược sẽ... ăn điểm.

Đời sống phát triển đồng nghĩa với nhu cầu chi dùng của người dân cho các sản phẩm dược phẩm ngày một tăng cao. Tổng giá trị sử dụng thuốc cả nước mỗi năm tăng từ 15-17% (năm 2007 ước khoảng hơn 1,1 tỷ USD).

Tuy nhiên, thuốc sản xuất trong nước mới đáp ứng được hơn 40% nhu cầu. Do đó, tiềm năng phát triển của ngành dược phẩm trong các năm tới là rất lớn.

Cả nước có gần 200 Cty dược phẩm nhưng chỉ có một số ít DN có tên tuổi như Dược Hậu Giang, Traphaco, Mekophar, Imexpharm, Domesco...

Trên thị trường, các cổ phiếu dược phẩm luôn nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư bên cạnh những ngành như dầu khí, viễn thông...

Hiện mới có ba DN dược phẩm đã niêm yết là Dược Hậu Giang (DHG), Domesco (DMC) và Imexpharm (IMP). Cả ba DN này đều là những hãng dược phẩm hàng đầu trong nước, có thị phần lớn và thương hiệu được đông đảo người tiêu dùng biết đến. Sau một thời gian tích cực "gom", tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ba DN này đã ở mức khá cao.

Báo cáo tài chính của 3 cổ phiếu trên sàn





Dược


Hậu Giang

Domesco

Imexpharm

Vốn điều lệ (tỷ đồng)

200,0

137,7

116,6

Vốn hoá(tỷ đồng)

3420,0

1538,6

1457,4

Doanh thu 2007 (tỷ đồng)

1269,3

811,1

451,6

Lợi nhuận sau thuế 2007 (tỷ đồng)

127,1

64,2

54,5

EPS (đồng)

12.659

4.949

5.951

Tỷ lệ sở hữu nước ngoài (%)

37,7

46,4

43,5


( Nguồn: Báo cáo tài chính các DN)

Các kết quả kinh doanh của 3 Cty đều có sự tăng trưởng rất cao. Trong đó, doanh thu của DHG năm 2007 gần gấp 3 lần năm 2004 (từ 450,7 tỷ đồng lên 1.269 tỷ đồng), đồng thời lợi nhuận sau thuế cũng tăng từ 23,9 tỷ đồng lên 127 tỷ đồng.

So với các DN thuộc các lĩnh vực khác, EPS của các DN dược phẩm luôn ở mức cao (trên 5.000 đ/CP). Sự sụt giảm của thị trường cũng đã đưa giá của ba cổ phiếu dược phẩm này về mức khá hấp dẫn.

Xét về tiềm năng tăng trưởng của ngành cũng như trong tình hình nền kinh tế hiện tại, các cổ phiếu dược phẩm là một cơ hội rất tốt để đầu tư. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, các DN dược đã có sự đầu tư chiều sâu vào công tác nghiên cứu và triển khai (R&D), cho ra đời thêm nhiều loại sản phẩm mới, không ngừng phổ biến rộng rãi hình ảnh thương hiệu đồng thời phát triển hệ thống phân phối ra hầu khắp các tỉnh thành.

Mặc dù ngành dược là một ngành hấp dẫn nhưng nhà đầu tư cần phải thận trọng đối với các cổ phiếu trong ngành này. Trước hết, đó là sự tăng giá của nguyên vật liệu dược phẩm, nhiên liệu, vật tư ngành nhựa, ngành giấy,... ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm và hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DN.

Hơn nữa, điều “đặc thù” như cổ phiếu ngành này đó là kể từ ngày 1/7/2008, DN sản xuất không đạt tiêu chuẩn GMP theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO) và DN xuất nhập khẩu và kinh doanh dược có hệ thống kho bảo quản không đạt tiêu chuẩn GSP sẽ phải ngừng sản xuất và ngừng xuất nhập khẩu trực tiếp.

Theo lộ trình trên, sẽ có không ít DN sản xuất tân dược buộc phải ngừng hoạt động, chuyển từ trực tiếp sản xuất sang làm gia công cho các DN đủ tiêu chuẩn. Và vì vậy, các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ nếu muốn thật sự... ghi điểm.

(Theo DDDN)