Triển vọng hồi phục sắp tới của TTCK, nhiều dự đoán cho rằng, nhanh thì phải từ quý III/2008 trở đi, đòi hỏi các nhà đầu tư phải chấp nhận thay đổi cho một cuộc đua dài hơi.

Trước dịp lễ 30/4 và 1/5, anh Lâm, giám đốc một công ty đầu tư tại TP. HCM đã buông một câu hờ hững như thế để giải thích cho kỳ du hí châu Âu kéo dài đến 3 tuần, thay vì chỉ đổi gió dăm ba bữa như mọi năm.

"Càng ít lên thị trường, vườn không nhà trống, thì càng khỏe khi cơn bão giảm giá chứng khoán không tha một ai", anh Lâm lý luận.

"Tôi đang nghỉ phép. Tôi mới thay đổi cơ quan nên lo thành lập bộ máy là chính. Vợ tôi mới sinh. Tôi mất ngủ nhiều…".

Rất nhiều lý do hợp lý khác nhau mà phóng viên ghi nhận xung quanh việc lãnh đạo các CTCK thường xuyên vắng mặt tại trụ sở trong giờ làm việc, hoặc từ chối trao đổi với báo chí về tình hình TTCK và tránh mặt các khách hàng "cưng" đang thua lỗ.

Ai cũng biết, khi đã làm ăn thì phải có thắng có thua, nhưng đâu phải ai cũng dễ chấp nhận đang từ chiếc xe đua vận tốc 250 km/giờ leo xuống chiếc xe đạp để đi với vận tốc 15 km/giờ. Càng khó chấp nhận khi phải đi chậm, đánh chắc. Chính vì vậy, các nhà đầu tư càng thua lỗ nặng trong giai đoạn khó khăn vừa qua.

Triển vọng hồi phục sắp tới của TTCK, nhiều dự đoán cho rằng, nhanh thì phải từ quý III/2008 trở đi, đòi hỏi các nhà đầu tư phải chấp nhận thay đổi cho một cuộc đua dài hơi.

Nếu như báo giới thời gian gần đây tiếp tục kể một câu chuyện về những chiếc xe siêu sang được bán dễ dàng và xu hướng tiêu dùng hàng hiệu rất sành điệu của một bộ phận dân thành phố thì xin đừng vội kết luận đó là dân chứng khoán hay tiền chứng khoán (mặc dù 1 năm về trước, điều này không phải bàn cãi).

Tháng trước, một đại gia chứng khoán tại TP. HCM tâm sự rằng, anh mới lôi con Attila (xe máy của SYM) bụi bặm ra để rửa và đi thay cho con BMW uống xăng như uống bia hơi. Tháng này, một đại gia chứng khoán khác ngỏ ý gả đi con "vợ hai" Audi để đi taxi cho đỡ tắc đường…

Với dân chứng khoán, cuộc ngao du trên TTCK đã đi vào một chặng đường hoàn toàn khác. Có người còn ví dân chứng khoán với tầng lớp thất nghiệp đang ngày càng đông tại các nền kinh tế suy thoái.

Sẽ không ăn thua gì nếu ở lại để than vãn và chờ đợi VN-Index lấy lại mức 1.100 điểm. Bài học của quá khứ cho thấy, VN-Index từng mất hơn 4 năm để lấy lại đỉnh cao 571 điểm đã mất vào giữa năm 2001. Nếu chứng khoán là một nghề thì nghiệp chứng khoán cũng lúc thăng, lúc trầm và chữ nhẫn có rất nhiều giá trị.

Một số cá nhân từ phía các tổ chức nước ngoài vẫn nói rằng, cơ hội của TTCK Việt Nam là tốt, mua vào lúc này làm của để dành, đợi khi tình hình kinh tế ổn định trở lại. Còn với những dịp lễ, đi chơi nhiều một chút cũng là ích nước lợi nhà!

Tình hình kinh tế quý II/2008 có vẻ khó khăn hơn, nhưng nhiều nhà đầu tư đang nghĩ đến khả năng VN-Index sẽ phục hồi lên mức 700 điểm, từ giữa quý III/2008 đến hết năm. Nếu khả năng này là hiện thực, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận khoảng 40% trong giai đoạn cuối năm cũng xứng đáng để thị trường học lấy chữ Nhẫn.

(Theo DTCK)