Trong nhiều đại hội cổ đông gần đây, nguồn cơn các cuộc tranh luận chính là sự khác biệt quan niệm của các cổ đông về phân bổ lợi nhuận

Nhìn lại một năm về trước, khi giá cổ phiếu tăng lên với tốc độ chóng mặt, không mấy nhà đầu tư để mắt tới cổ tức được chia nhiều hay ít. Vì có chia tỷ lệ 30% hay 50% thì quy ra mỗi cổ phiếu nhà đầu tư cũng chỉ nhận tương ứng 3.000 hay 5.000 đồng, sẽ không là bao nếu so với vài chục đến hàng trăm ngàn đồng họ nhận được do giá cổ phiếu tăng cao.

Thu lợi lớn nhờ giá cổ phiếu tăng nhanh, nhà đầu tư trở nên hào phóng khi biểu quyết tỷ lệ trích lập quỹ phúc lợi, khen thưởng cho những “người làm thuê” cho mình – là ban lãnh đạo công ty, cán bộ nhân viên công ty. Họ cũng chẳng đoái hoài tỷ lệ phúc lợi cao hay thấp sẽ ảnh hưởng thế nào đến phần lợi nhuận còn lại để chia cổ tức.

Vậy nên có chuyện, cũng chính các cổ đông đã dùng lá phiếu của mình biểu quyết tỷ lệ trích lập quỹ phúc lợi năm 2007 là 20%, giờ đây lại có những cổ đông đứng lên phàn nàn như bắt vạ hội đồng quản trị: “tỷ lệ này là quá cao”. Nghe có vẻ có lý bởi nhà đầu tư mua cổ phiếu khi nó đã ở mức giá cao, giờ giá xuống thấp, giá trị mớ cổ phiếu đấy chỉ còn phần ba số tiền bỏ ra ban đầu. Họ lại nhận phần cổ tức không như ý muốn, thành ra phải chịu thiệt đơn thiệt kép.

Trong khi đó, “người làm thuê” không chịu chút rủi ro đồng vốn nào lại được hưởng lợi tương đương “ông chủ”. Phía hội đồng quản trị lại cho rằng không có chính sách tốt thì không thể khuyến khích đội ngũ quản lý, nhân viên – những người đã tạo nên lợi nhuận hàng trăm tỉ đồng, tương đương 70 – 80% vốn điều lệ... Nhưng nói gì thì nói, nghị quyết đại hội năm trước là chuyện đã rồi, không thể sửa chữa.

Năm nay câu chuyện phúc lợi đã khác. Tại đại hội cổ đông công ty X, một số người đã dè dặt đề nghị mức trích lập quỹ phúc lợi, khen thưởng thấp hơn, thay vì 20% như năm 2007. Số khác có vẻ cương quyết hơn, họ chỉ chấp nhận mức 5 – 10% trên lợi nhuận. Chủ tịch hội đồng quản trị đồng tình với đề nghị 10%, nhưng ông lưu ý tỷ lệ này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Từ góc độ người quản lý doanh nghiệp, ông phân tích: “Có thể như vậy là tôi đang bắn vào chính chân mình... Không có đội ngũ nhân lực tốt để tạo ra hiệu quả cao thì có thể công ty cũng không có lợi nhuận để mà chia”.

Thực tế, áp lực cạnh tranh thu hút người tài đang ngày càng đè nặng lên lãnh đạo các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt càng trở nên gay gắt đối với những ngành nghề khan hiếm nhân lực quản lý như ngân hàng, tài chính. Năm vừa qua, dù tỷ lệ trích lập quỹ phúc lợi là 20% nhưng vẫn có những người quản lý giỏi đã ra đi khỏi công ty này.

Đấy là chưa nói đến khoản lợi nhuận để lại cho các quỹ dự phòng, tái đầu tư. Thường cổ đông muốn chia cổ tức cao. Nhưng chia cổ tức cao có nghĩa phần lợi nhuận để lại sẽ vơi đi. Khi ấy doanh nghiệp muốn duy trì tăng trưởng sẽ phải đi vay, tăng thêm chi phí, rủi ro về vốn. Chính vì vậy, phân bổ lợi nhuận thế nào để doanh nghiệp phát triển bền vững là câu chuyện cần được chia sẻ giữa các cổ đông và hội đồng quản trị.

(Theo SGTT)