Ngày 28.4, chỉ số chứng khoán cùng khối lượng giao dịch trên cả hai sàn Hà Nội và TP.HCM đồng loạt tăng. Diễn biến này khiến các nhà đầu tư (NĐT) lạc quan hơn trước kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5.

Sức mua tăng

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 3,54 điểm, đạt 519,42 điểm. Có đến 90 mã chứng khoán (CK) tại sàn TP.HCM tăng giá và chỉ có 53 mã CK giảm giá, 11 mã CK đứng giá. Tương tự tại sàn Hà Nội, chỉ số Hastc-Index tăng 2,16 điểm, đạt 171,11 điểm. Khối lượng giao dịch tại sàn TP.HCM đạt 9,7 triệu CK với tổng trị giá đạt 456,9 tỉ đồng (tăng 57% so với phiên giao dịch cuối tuần qua). Những cổ phiếu (CP) chủ chốt như DPM, DHG, HPG, PPC, PVD, VNM... đều tăng giá và lượng dư bán gần như không còn. Đây được xem là một trong những nhân tố quan trọng đẩy chỉ số VN-Index tăng lên.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, việc nhiều CP tăng giá cũng như chỉ số chứng khoán tăng điểm là không bất ngờ. Lý do là khi VN-Index về gần sát ngưỡng 500 điểm thì nhu cầu mua sẽ tăng lên vì với nhiều NĐT, đây là đáy của thị trường. Hơn nữa, thị trường chứng khoán (TTCK) tại nhiều nước châu Á và Mỹ tăng lên cũng tác động tích cực đến TTCK Việt Nam. "Đặc biệt trong thời gian qua, các NĐT nước ngoài vẫn liên tục duy trì sức mua cao nên đã tạo nên tâm lý an tâm cho các NĐT trong nước. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp cho thị trường không giảm mạnh và vẫn đi ngang nhiều hơn", ông Tuấn nói.

Ước tính trong 2 tuần qua, tổng lượng tiền mà NĐT nước ngoài bỏ vào sàn TP.HCM đã gần 2.000 tỉ đồng. Sức mua của khối này luôn chiếm 40 - 50% tổng khối lượng giao dịch hằng ngày trên sàn. Trong khi đó, số lượng bán ra của NĐT nước ngoài khá thấp, ước tính chỉ khoảng hơn 300 tỉ đồng. Theo ghi nhận trên các sàn giao dịch chứng khoán, một số NĐT sau một thời gian cố "bán tháo" CP nhưng không được thì nay đã dừng bán. Ngoài ra, theo một chuyên gia tài chính tại TP.HCM, các NĐT tin tưởng các chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ sẽ đạt được kết quả khả quan trong thời gian tới.

Xu hướng đi ngang

Ông Trịnh Việt Cường, Giám đốc Công ty quản lý quỹ Asiavantage Global, cho rằng thị trường vẫn chưa có xu hướng tăng vững vì bối cảnh chung của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều dấu hiệu bất ổn. Mặc dù nhiều CP đã có giá khá rẻ nhưng NĐT vẫn e ngại vì khả năng đạt lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm nay sẽ không cao vì gặp nhiều khó khăn. "Tuy nhiên, theo phân tích kỹ thuật thì khả năng giảm mạnh của thị trường cũng ít hơn so với khả năng đi ngang. Chỉ số VN-Index sẽ xoay quanh mức 500 - 550 điểm", ông Cường nói. Đồng quan điểm trên, ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng, tâm lý NĐT không còn hoảng loạn như trước nên lượng bán ra đã giảm. Hiện nhiều NĐT vẫn đang chờ đợi xu hướng thị trường trở nên rõ ràng hơn trước khi quyết định mua vào. Đặc biệt kết quả kinh doanh quý 2 của các công ty niêm yết sẽ là yếu tố quan trọng để các NĐT quyết định mua hay bán.

Nhìn chung, tâm lý của nhiều NĐT trên thị trường hiện nay đang ở thế giằng co vì bán thì sợ giá tăng, mua thì sợ giá xuống. Điều đó cũng tạo nên một sự giằng co trên thị trường và được thể hiện qua sự tăng, giảm giá khác nhau của các CP.

* Ngày 28.4, tại sàn TP.HCM, các NĐT nước ngoài đã mua vào 2,9 triệu CK trị giá 258,3 tỉ đồng; bán ra 511.770 CK trị giá 27,2 tỉ đồng. Ngoài ra, NĐT nước ngoài còn thỏa thuận mua vào 28.950 CP trị giá 17,4 tỉ đồng. Tổng khối lượng đặt mua tại sàn TP.HCM đạt 17,3 triệu CK (tăng 70,9% so với phiên giao dịch trước) trong khi tổng khối lượng đặt bán là 17,8 triệu CK (giảm 15,64% so với phiên giao dịch trước). Tại sàn Hà Nội, NĐT nước ngoài mua vào 22.300 CK trị giá 760 triệu đồng; bán ra 12.100 CK trị giá 637 triệu đồng.

(Theo ThanhNien)