Tuần vừa qua với 4 phiên giảm và chỉ 1 phiên tăng nhẹ, HASTC-Index đạt 168,95 điểm, giảm 10,82 điểm (-6,02%) so với tuần trước đó.

Giao dịch tuần qua

Thị trường tuần vừa qua cũng ảm đạm hơn tuần trước nữa, khi tổng khối lượng giao dịch đạt 15.512.820 đơn vị, trung bình mỗi phiên có 3.102.564 đơn vị được giao dịch. Trong khi đó, khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên tuần trước đó lên tới 4.350.266 đơn vị, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên của tuần đó cũng gấp 1,38 lần so với tuần qua.

5 cổ phiếu dẫn đầu về tăng giá trên sàn Hà Nội là MIC, DAC, BHV với mức tăng trên 14%, tiếp đó là 2 cổ phiếu SDY, VTS với mức tăng gần 7%. Trong các cổ phiếu giảm giá nhiều nhất có CMC (-14,70%), SDA (-13,82%), NBC (-13,82%). Trong danh sách này cũng có mặt 2 cổ phiếu họ Sông Đà là SD2 (-13,69%) và SD7 (-13,57%).

Dẫn đầu về giá trị giao dịch tuần qua vẫn là cổ phiếu ACB (130 tỷ đồng), tiếp đó là PVS, PVI, NTP, SCJ với giá trị giao dịch từ gần 20 tới 60 tỷ đồng. ACB và PVS cũng là 2 cổ phiếu dẫn đầu toàn sàn về khối lượng được giao dịch.

Các nhà đầu tư nước ngoài tuần qua tăng lượng giao dịch so với tuần trước đó, xu hướng mua vào vẫn nhiều hơn bán ra, khi khối lượng mua vào tăng 55,65%, còn khối khối lượng bán ra chỉ tăng 43,85%. Các mã được mua nhiều nhất là PVI, DBC, VNR, NBC, HPC.

Phân tích nhận định

Lặp lại những gì đã diễn ra trong tuần trước đó, thị trường tuần qua diễn ra trong xu hướng giảm điểm ở cả hai sàn giao dịch TP. HCM và Hà Nội khi không có nhiều thông tin hỗ trợ tích cực. Kết quả là sàn TP. HCM mất điểm trong cả 5 phiên giao dịch, trong khi đó, sàn Hà Nội đã cầm cự được ở phiên cuối tuần khi tăng nhẹ sau 4 phiên giảm.

Diễn biến giao dịch đầu tuần đã không như mong đợi của nhà đầu tư khi chưa có một giải pháp nào mới nhằm cứu vãn thị trường được ban hành.

Ngược lại, việc nguồn vốn chảy vào các ngân hàng sụt giảm trong quý I đã tạo sức ép lớn cho cuộc chạy đua lãi suất mới.

Thêm vào đó, thống kê sơ bộ của Indochina Capital ước tính, 10 tổ chức đầu tư chứng khoán nước ngoài đã thua lỗ hơn 1,3 tỷ USD tại TTCK Việt Nam kể từ đầu năm đã tác động không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư trong nước, góp phần làm thị trường thêm tiếp tục suy giảm.

Hai phiên giao dịch cuối tuần đã lóe lên một chút hy vọng về tình hình thị trường có thể sáng sủa hơn. Về chính sách tiền tệ, NHNN có Công văn số 3764/NHNN-CSTT (ngày 24/4) với nội dung, sẽ tái cấp vốn nhằm đảm bảo tính thanh khoản cho các NHTM.

Điều này sẽ giảm bớt sức ép tăng lãi suất huy động vốn của các ngân hàng. Cùng ngày, Bộ Tài chính cũng đã có cuộc họp kín về định hướng phát triển TTCK. Ngoài ra, lạm phát đã có dấu hiệu suy giảm, khi chỉ tăng 2,2% trong tháng 4, thấp hơn các tháng trước đó.

HASTC-Index tuần qua không thoát được xu hướng tiếp tục lao dốc như 2 tuần trước, bắt đầu từ khi nới lỏng biên độ dao động giá, Index chỉ có được một phiên đảo chiều vào cuối tuần.

Khuyến nghị

Việc lạm phát có dấu hiệu được kìm lại, kèm theo đó là kỳ vọng về tình hình kinh tế vĩ mô trong quý II có khả năng được cải thiện là những yếu hỗ trợ tích cực nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư dài hạn đang cố bám trụ lại thị trường ở thời điểm hiện tại.

CTCK Morgan Stanley Hướng Việt

(Theo DTCK)