Những phiên giao dịch gần đây, câu chuyện trên TTCK không chỉ còn là vấn đề giá chứng khoán giảm, mà kèm theo là câu chuyện thanh khoản cố phiếu.

Chỉ số VN-Index và chỉ số Hastc-Index đang lùi dần về ngưỡng 500 và 160 điểm, mốc mà UBCKNN trước đó đã thu hẹp biên độ xuống ±1% và ±2% để hỗ trợ thị trường.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/4, chỉ số Vn-Index giảm tiếp 2,54 điểm (tương đương 0,48%) xuống 515,88 điểm.

Những phiên giao dịch gần đây, không chỉ còn là vấn đề giá chứng khoán giảm, mà kèm theo là câu chuyện thanh khoản cố phiếu.

Sức cầu đang ngày một yếu, kể cả sức mua của nhà đầu tư nước ngoài. Ngay cả những cổ phiếu được khối này bền bỉ đổ tiền mua như cao su (DPR, TRC), hàng tiêu dùng thiết yếu (VNM, TAC),dầu khí (PVD, PVI, DPM)…với hi vọng lợi nhuận tăng trưởng ổn định bất kể lạm phát tăng ra sao, cũng đã giảm giá.

Luồng tiền mới dường như vẫn đứng ngoài thị trường khi động thái thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tiếp tục được thực hiện.

Bức tranh ngân hàng tháng 4-5 này sẽ quyết định hướng đi của thị trường chứng khoán, mà bức tranh ấy lại đang phụ thuộc nhiều vào chỉ số CPI và thâm hụt thương mại.

NHNN đang nỗ lực giữ ổn định tỷ giá hối đoái bằng cách bán ra mạnh đô la Mỹ, hút tiền đồng về nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên tiền vẫn đang chảy ra khỏi các ngân hàng thương mại (vốn huy động giảm) do lãi suất chưa hấp dẫn.

Có dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang giữ một lượng đáng kể tiền mặt tại quỹ của mình, hoặc cho các đối tác khác vay lại, một hoạt động có nguy cơ đặt các ngân hàng ra khỏi vòng quay của đồng vốn.

Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng nếu lạm phát tháng 4 còn chưa giảm và còn đứng ở mức cao, thì giai đoạn khó khăn nhất của chứng khoán trước khi hồi phục mới chỉ bắt đầu. Giai đoạn này kéo dài bao lâu? Dự đoán của các nhà quan sát thị trường là hai tháng nhìn về ngắn hạn.

Một quan chức của UBCKNN cho biết cơ quan quản lý thị trường vẫn đang theo dõi sát sao thị trường, nhưng sẽ khó can thiệp bằng các biện pháp hành chính thêm nữa. “Chúng ta cần chờ hai yếu tố: diễn biến kinh tế Mỹ và độ ngấm của các chính sách tiền tệ mà NHNN đang áp dụng”- ông nhấn mạnh. Ông bác bỏ khả năng đưa biên độ về mức ±1% (Hose) và ±2% (Hastc) cũng như khả năng bỏ biên độ hoàn toàn.

Trên thị trường OTC, trong những ngày qua, cổ phiếu ngân hàng đã rớt giá thêm 10 – 15%. Giá cổ phiếu một số ngân hàng đã rất gần với mệnh giá. Ngày 7/4/2008, cổ phiếu Ngân hàng Quân đội còn giao dịch xung quanh 31.500 đồng, thì đến 23/4 đã xuống 26.500 đồng/CP. Tương tự cổ phiếu Eximbank 42.700 đồng xuống 36.500 đồng/CP; Ngân hàng Quốc tế từ 23.500 đồng xuống 20.000 đồng/CP…Ngoài cổ phiếu ngân hàng còn được nhà đầu tư hỏi mua hỏi bán, các cổ phiếu OTC đang chìm trong lớp băng dầy do thanh khoản kém.

Trên sàn Hà Nội, với 1 phiên tăng, 4 phiên giảm trong tuần, chỉ số HaSTC-Index đã mất đi 10,89 điểm, tương đương giảm 6,06% so với phiên cuối tuần trước. Kết thúc tuần giao dịch từ 21/04/2008 đến 25/04/2008, chỉ số HaSTC-Index đóng cửa ở mức 168,88 điểm.

Như vậy ngoại trừ 2 phiên điều chỉnh tăng vào ngày 17/4 và 25/4, chỉ số này cũng liên tục giảm kể từ ngày 8/4, một ngày sau khi biên độ dao động 3% được áp dụng. Tổng khối lượng giao dịch báo giá trong tuần đạt 14.808.800 cổ phiếu.

(Theo TBKTVN)