Tình trạng "người người thua lỗ" đã biến TTCK từ một kênh đầu tư hấp dẫn trở thành "địa ngục trần gian" đối với không ít nhà đầu tư.

Phát ngôn của các chuyên gia

Kể từ cuối năm 2006 đến nay, trên báo, đài xuất hiện khá nhiều chuyên gia chứng khoán nhận xét, đánh giá về TTCK trên cơ sở chính kiến cá nhân và thực tế không có cơ quan nào bắt họ phải chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình.

Có vị cho rằng, VN-Index không thể giảm xuống dưới 970 điểm; có vị khuyên nhà đầu tư nên mua FPT cỡ 60x, VNM gần 20x và quả quyết, Việt Nam mới gia nhập WTO, VN-Index sẽ tăng ít nhất 4 năm nữa giống như Trung Quốc thời kỳ sau khi gia nhập WTO; có vị không ủng hộ việc các nhà đầu tư mua bán ngắn hạn…

Thật nực cười vì nếu không mua bán thì lấy đâu ra tính thanh khoản, Nhà nước lấy cơ sở nào để định ra giá khởi điểm IPO? Khi thị trường giảm mạnh, có vị cho rằng, nên để thị trường tự nhiên, cổ phiếu nên về giá trị thật, trong khi không đưa ra được giá trị thật là bao nhiêu…

Trước hết, chúng ta phải tìm ra nguyên nhân giảm giá. Nếu giảm vì doanh nghiệp làm ăn kém thì tất yếu phải để thị trường phán xét, còn giảm do giải chấp cầm cố, do nhà đầu tư mất niềm tin, do lũng đoạn thị trường thì chúng ta phải giải quyết dứt điểm.

Một số giải pháp

Thứ nhất, ngắt mạch giao dịch: TTCK Malaysia vừa qua có phiên giảm hơn 10% khi mở cửa và đã được ngắt mạch ngay lập tức, đó là do Malaysia gặp biến cố chính trị. Tuy nhiên, sau đó thị trường Malaysia đã phục hồi trở lại.

Với doanh nghiệp làm ăn yếu kém thì chuyện cổ phiếu giảm giá sàn là đương nhiên, nhưng với TTCK Việt Nam, việc giảm sàn liên tiếp nhiều phiên với hầu hết cổ phiếu tốt xấu lẫn lộn thì việc ngắt mạch giao dịch là việc làm cần thiết, vừa đảm bảo tính phát triển bền vững, vừa bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ trước tâm lý không ổn định hay hành vi thao túng, làm giá, lũng đoạn thị trường.

Thứ hai, ngăn chặn việc thao túng, lũng đoạn thị trường: Một vị lãnh đạo UBCK cách đây vài tháng cho biết, đã phát hiện được những giao dịch mua ghìm giá của các tổ chức lớn, đặc biệt là có bàn tay của nhà ĐTNN. Đáng tiếc là chúng ta vẫn chỉ dừng lại ở mức độ phát hiện, chưa xử lý nghiêm minh cụ việc thể vụ nào.

Điều gì xảy ra khi những đối tượng này hy sinh một lượng cổ phiếu nào đó bán giá sàn liên tục, hậu quả là thị trường suy giảm không phanh, rồi sau đó mua vào?

Thực tế, không ít cổ phiếu blue-chip được bán ra rất mạnh, kéo theo làn sóng bán ra cổ phiếu đó và cả những cổ phiếu khác của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, các ngân hàng giải chấp và bây giờ họ có thể ung dung mua lại với giá chỉ bằng 1/3 mức giá cũ.

Nếu có sự kết hợp giữa Trung tâm Lưu ký chứng khoán, UBCK với Bộ Công an thì việc theo dõi, truy tìm những tài khoản giao dịch kiểu này không khó.

Thứ ba, mở room cho nhà ĐTNN: Chúng ta đã từng mở room cho nhà ĐTNN trong năm 2005 và sau đó, nhờ nguồn lực không nhỏ của khối này đã góp phần giúp TTCK phát triển sau một thời gian dài trầm lắng.

Có một điều đáng lưu ý là, mặc dù giá nhiều loại cổ phiếu giảm rất mạnh nhưng khối này tiếp tục mua vào nhiều hơn bán ra, nhiều mã như STB, ACB hầu như không bao giờ bán, room của REE, GMD, CII, BMP, TDH luôn được lấp đầy 49%.

Chúng ta hạn chế room dành cho nhà ĐTNN chủ yếu là nhằm ngăn họ thoát vốn gián tiếp đột ngột, nhưng thực tế đối tượng thoát vốn chủ yếu gần đây lại là các nhà đầu tư nội, các tổ chức nội.

Câu hỏi đặt ra là, nếu họ xác định đầu tư dài hạn trong lúc thị trường giảm sâu như hiện nay thì tại sao ta không mở room cho họ, đằng nào thì theo lộ trình gia nhập WTO ta cũng phải mở, nếu không mở room bây giờ để tạo lực cầu thì chúng ta đợi đến bao giờ hay chờ thị trường nóng lên mới mở?

Mở room tại thời điểm này vừa tạo được sức cầu, giúp TTCK phục hồi, vừa giúp cho tiến trình cổ phần hoá nói chung, cổ phần hóa các ngân hàng quốc doanh nói riêng đỡ ế ẩm.

(Theo DTCK)