Mức giá giao dịch của cổ phiếu ngân hàng hiện tại, giảm đến 80 - 90% so với thời đầu năm 2007, được xem là khá rẻ.

Cổ phiếu của Eximbank được xem là có tính thanh khoản cao nhất trên thị trường OTC, nhưng đã có lúc xuống còn 19.000 đồng/cổ phiếu trong những ngày đầu tháng 5 vừa qua. Giá cổ phiếu Vietcombank chỉ ở mức trên 28.000 đồng.

Cổ phiếu STB không duy trì được ngưỡng 30.000 đồng, xuống còn 25.400 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 23/5. Riêng cổ phiếu của các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa, như VP Bank, VIB Bank, OCB, Southern Bank, ABBANK... đều có mức giảm đáng kể trong những tuần gần đây và trở về sát mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thậm chí, có cổ phiếu ngân hàng chỉ còn giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC có phục hồi nhẹ trong mấy ngày qua, nhưng nhìn chung thị trường vẫn chưa có sự khởi sắc.

Trước tình hình trên, để làm yên lòng nhà đầu tư, nhiều ngân hàng đã công bố kết quả hoạt động trong 4 tháng đầu năm và khẳng định vẫn giữ nguyên kế hoạch lợi nhuận đạt được trong năm nay, cho dù thị trường tiền tệ đang có nhiều biến động. Cụ thể, Sacombank thu về 537 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 4 tháng đầu năm và tuyên bố sẽ thu về 1.200 tỷ đồng trong năm nay. Với Eximbank, những con số tương ứng là 347 tỷ đồng và 1.300 - 1.500 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với năm trước).

ACB thì cho biết, 4 tháng đầu năm đã thu về 625 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và có tham vọng cả năm đạt 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 500 tỷ đồng so với 2007. Thậm chí, ACB còn tuyên bố, nhiều khả năng lợi nhuận thu về trong năm nay sẽ cao hơn dự kiến, vì doanh thu từ các mảng dịch vụ cao hơn so với mọi năm.

Dẫu vậy, sức hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng đối với nhà đầu tư vẫn ngày một nhạt dần. Lo ngại cổ phiếu ngân hàng còn sụt giảm nữa trước ảnh hưởng của các chính sách thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Nhà nước, nhiều người đã phải bán tống, bán tháo, để trả nợ vay cầm cố cho ngân hàng. Cổ phiếu ngân hàng từ đó mất dần tính thanh khoản.

Theo đánh giá của tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM, mức giá giao dịch của cổ phiếu ngân hàng hiện tại, giảm đến 80 - 90% so với thời đầu năm 2007, được xem là khá rẻ.

Bỏ vốn vào cổ phiếu ngân hàng lúc này là khá phù hợp, nhưng nhà đầu tư phải có tầm nhìn ít nhất 1 năm. Vì các diễn biến tác động trên thị trường tài chính sẽ còn tiếp tục kéo dài đến hết năm 2008, hoạt động của các ngân hàng phải chịu ảnh hưởng tiêu cực cả năm nay.

Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, ông Andy Ho cho biết, VinaCapital vẫn hoạt động tốt ở thị trường chừng khoán Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực tài chính - ngân hàng luôn được Tập đoàn đánh giá cao, bởi đó là thành phần cốt lõi cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

VinaCapital tiếp tục theo đuổi những thương vụ đầu tư vào các ngân hàng cổ phần lớn và ngân hàng quốc doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, VinaCapital nói riêng và các quỹ đầu tư nước ngoài nói chung đang rất lo ngại cho hoạt động của các ngân hàng tại Việt Nam trong năm 2008.

Nhiều người cho rằng, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng lúc này còn nhiều rủi ro, cho dù giá đã khá rẻ. Tuy nhiên, theo ông Ho, điều đó không đúng với những nhà đầu tư có chiến lược bỏ vốn trong khoảng 3 - 5 năm. Vì vậy, trong chiến lược đầu tư trung và dài hạn, Tập đoàn VinaCapital muốn đầu tư vào các ngân hàng lớn.

Có một điều làm các quỹ đầu tư nước ngoài băn khoăn là, thị trường Việt Nam có quá nhiều ngân hàng, nhưng lại thiếu ngân hàng có những nhà quản lý có kinh nghiệm về tài chính.

Đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài cho biết, tính riêng trong khối ngân hàng cổ phần hiện nay, thì chỉ có ACB, Sacombank, Eximbank và Techcombank là những ngân hàng có bộ máy quản trị tốt.

Vì vậy, theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành chứng khoán, để thành công, nhà đầu tư nên lựa chọn kỹ ngân hàng để rót vốn mua cổ phiếu lúc này, nhằm hạn chế tối đa rủi ro.

(Theo DauTu)