Cổ phiếu giải chấp không bán được có thể khiến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng cao, nhưng khả năng đổ vỡ là khó do đã có "hàng rào" hạn mức cho vay chứng khoán.

Theo một chuyên gia chứng khoán, với thị trường như thời điểm này, nhiều khi bán cổ phiếu giải chấp, ngân hàng cũng không thể thu hồi vốn. Đó là do chứng khoán bị cầm cố giảm điểm quá nhanh và thanh khoản cũng rất thấp. Lệnh bán cổ phiếu giải chấp được xếp đầu tiên vào hệ thống và lúc nào cũng được bán giá sàn, thậm chí "xếp hàng" luôn vào hôm sau nhưng vẫn không khớp được do không ai mua.

Nhóm cổ phiếu "hạng A" để cầm cố như STB, SSI, ACB, FPT hiện lại đang là những cổ phiếu bị bán mạnh nhất và tính thanh khoản suy giảm nhiều nhất. Tình hình còn tệ hơn nữa nếu các cổ phiếu được cầm cố là cổ phiếu nhỏ, giao dịch ít.

Người vay cầm cố khi đó sẽ buộc phải trả khoản nợ chênh lệch do sụt giá nếu không khoản nợ đó sẽ được xếp vào khoản nợ khó đòi, và khách hàng có thể sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Anh Như Hoàng, một nhà đầu tư ở Hải Phòng, cho hay anh đã phải bán cả chiếc ôtô mới mua và cả mảnh đất của mẹ vợ ở Quảng Ninh để trả nợ cầm cố.

Lãi suất của khoản nợ trên là rất cao, 1,5% một tháng (18% một năm). Tới nay, với việc lãi suất huy động được nâng lên 18%, lãi vay tăng lên tới 2% một tháng (24% một năm). Càng nợ "dây dưa", nhà đầu tư càng chịu thiệt. Phía ngân hàng cũng lo "ngay ngáy" vì cổ phiếu mất giá, nhà đầu tư khánh kiệt và không có khả năng trả nợ, ngân hàng sẽ lỗ nặng.

Một cán bộ phòng dịch vụ khách hàng tại một công ty chứng khoán cho biết, hiện rất nhiều ngân hàng đều đã ngừng tất cả các dịch vụ như nhận cầm cố, repo, hoặc thấu chi (dịch vụ này, chỉ có ở một số công ty chứng khoán, cho phép những tài khoản VIP được vay nóng và sau đó phải trả nợ theo thời hạn T+2 nếu không trả sẽ chịu một mức lãi suất nhất định).

Tuy nhiên, khả năng đổ vỡ khó xảy ra với hệ thống tài chính. Ông Nguyễn Văn Lê, tổng giám đốc ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), nhận định, hạn mức cho vay chứng khoán chỉ là 20% vốn điều lệ cộng với việc mức độ rủi ro về phía ngân hàng trong các hợp đồng cầm cố là rất thấp, nên ngân hàng hoàn toàn kiểm soát được các khoản nợ này.

Thông thường, khách hàng chỉ được vay từ 20% tới 40% giá trị cổ phiếu được cầm có tại thời điểm định giá (vào thời điểm thị trường sôi động, tỷ lệ này lên tới 50% tại một số ngân hàng). Con số cụ thể tùy thuộc vào lại cổ phiếu, tình hình thị trường, và từng ngân hàng. Chỉ cần cổ phiếu trên mất giá từ 10 đến 20%, ngân hàng đã thúc khách hàng trả khoản chênh lệch do sụt giá. Chỉ khi cổ phiếu mất giá từ 50 tới 70%, ngân hàng mới bắt đầu lỗ.

Ông Lê cũng cho biết, thực tế phần lớn các nhà đầu tư thường sẽ nộp khoản tiền chênh lệch do sụt giá của cổ phiếu cầm cố chứ không chờ ngân hàng bán cổ phiếu của mình đi. Vả lại, hiện giờ lượng cho vay cầm cố chứng khoán của các ngân hàng đều khá thấp. Cụ thể tại SHB, nợ chứng khoán chỉ khoảng 20 tỷ, tương đương 4% vốn điều lệ.

Hơn nữa, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước luôn giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng để có biện hỗ trợ, bảo lãnh khi cần thiết. Nhà nước cũng luôn có dự trữ để trợ giúp các ngân hàng gặp khó khăn, từ đó bảo vệ toàn bộ hệ thống ngân hàng.

(Theo VnExpress)