Thị trường chứng khoán vẫn trong đà suy giảm, nhưng vẫn chưa có những bằng chứng xác thực về tác động của lãi suất.

Sự kiện được thị trường quan tâm lớn nhất tuần qua là việc NH Nhà nước (NHNN) thực hiện điều chỉnh lãi suất cơ bản và phương thức điều hành lãi suất này từ ngày 19.5. Hệ thống NH thương mại ngay lập tức cũng vận động theo hướng tăng lãi suất huy động nhằm hút tiền gửi.

Giá trị giao dịch tăng

TTCK sẽ bị chia sẻ nguồn lực đến mức độ nào dưới tác động của một đợt tăng lãi suất mới? Hiện vẫn chưa có những thống kê cập nhật nào cho thấy bức tranh toàn cảnh, chẳng hạn số liệu về cân đối tăng giảm lượng tiền thực sự vào hệ thống NH hay số liệu biến động số dư tiền mặt trên tài khoản CK.

Tuy nhiên, nắm bắt cơ hội bất thường này là điều đầu tiên mà giới đầu tư cân nhắc, nhất là khi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi xu hướng rõ ràng. Thậm chí, ngay trong báo cáo tư vấn của CTCK VNDirect gửi cho khách hàng, Cty cũng khuyên "gửi tiết kiệm NH luôn là một lựa chọn an toàn. Với mức lãi suất đã tăng thêm 2-3%/năm như hiện nay, chúng tôi cho rằng gửi tiết kiệm là một lựa chọn tốt trong ngắn hạn để NĐT bảo toàn nguồn vốn".

Thậm chí Cty còn khuyên NĐT nên lựa chọn gửi tiền ở các NH lớn, có tính thanh khoản cao và chất lượng tài sản tốt!

Tuy nhiên, những số liệu cụ thể tuần qua lại cho thấy một sự chuyển biến "ngược dòng" trong tính thanh khoản của TTCK. Khối lượng giao dịch đang được cải thiện và đặc biệt là xuất hiện rất nhiều giao dịch thỏa thuận lớn.

Sự vận động của nguồn tiền mặt trên thị trường đang mạnh lên. Tổng giá trị thực hiện qua khớp lệnh 5 phiên đạt 645,2 tỉ đồng, tăng 13,4% so với tuần từ 12-16.5. Giá trị khớp lệnh càng về cuối tuần tăng càng cao.

Một số liệu lạc quan hơn là tổng giá trị chuyển nhượng (không tính trái phiếu) của thị trường lên tới 1.283,4 tỉ đồng, lớn nhất trong 4 tuần gần đây, tăng 93,3% so với 5 phiên tuần từ 12-16.5. Như vậy riêng giá trị giao dịch thỏa thuận tuần qua cũng đã tương đương với quy mô giao dịch khớp lệnh.

Dù vậy, giá trị giao dịch tăng cũng chưa thể khẳng định chắc chắn là tiền đang chảy vào thị trường nhiều hơn. Giá trị tăng mạnh trong bối cảnh giá CK đồng loạt giảm cho thấy khối lượng giao dịch đã có sự chuyển biến, nhưng thị trường tuần qua có diễn biến khá đặc thù là giao dịch thỏa thuận đột biến. Đó là sự cơ cấu danh mục của các tổ chức.

Thống kê cho thấy khối lượng khớp lệnh theo đơn vị tuần tăng khoảng 8% trong khi tổng chuyển nhượng (trừ trái phiếu) lại tăng tới 68% do 12,59 triệu CP được giao dịch thỏa thuận, tương đương 638,2 tỉ đồng giá trị. Thông thường các giao dịch thỏa thuận là cá biệt trong từng thời điểm và các giao dịch này không phản ánh lên chỉ số giá.

Vốn ngoại trở lại

Tuần qua cũng cho thấy sự tham gia nhiệt tình trở lại của NĐTNN. Tuần từ 12-16.5, khối ngoại bất ngờ giảm mạnh cường độ mua vào và tỉ trọng ròng tham gia thị trường chỉ đạt 16% về khối lượng và 20% về giá trị, mức thấp nhất trong vòng 7 tuần gần đây.

Với 5 phiên vừa qua, nguồn vốn ngoại đã xác lập lại vị trí nâng đỡ thị trường với tỉ trọng 43% khối lượng và 23% giá trị. Thậm chí có những phiên như ngày 21-22.5, khối lượng mua của NĐTNN chiếm 62-70% giao dịch thị trường.

Danh sách đầu tư mạnh của nguồn vốn ngoại vẫn không có nhiều thay đổi kể từ tháng 4.2008 đến nay. Các giao dịch mua ròng đáng chú ý là DPM (1,21 triệu CP), HPG (522,540 CP), SSI (754.140 CP), PVD (224.840 CP), ANV (223.910 CP)...

Đóng góp trong giao dich thỏa thuận của NĐTNN khá lớn và chủ yếu là hoạt động bán ra cùng với giao dịch sang tay trong nội bộ. Khoảng 4,76 triệu CP được khối này mua vào qua thỏa thuận, chiếm 38%, bán ra khoảng 1,48 triệu CP.

Tuần qua đáng chú ý là hoạt động bán ra với VIC của một số tổ chức nước ngoài. VIC cũng là CP có giao dịch thỏa thuận lớn nhất: 4,14 triệu đơn vị.

Một số tổ chức nước ngoài cũng mua vào khối lượng lớn, trong đó đáng kể nhất là Lotte Confectionery Co, LTD mua vào 840.000 BBC. Một số mã khác xuất hiện mua lớn hơn bán là DPM (383.800 CP), HPG (123.320/ 88.320 CP), PPC (851.270/ 66.340 CP), PVD (359.160 CP) SSI (605.480/ 40.000 CP)...

Sự phục hồi của nguồn vốn ngoại là động lực chính cải thiện mức độ thanh khoản của thị trường.

(Theo LaoDong)