Liên tục có những thông điệp gửi từ cơ quan quản lý đến nhà đầu tư. Nhưng mỗi ngày niềm tin của NĐT thêm sụt giảm cùng với chỉ số Vn-Index.

Từ tháng 3/2008 đến nay, Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCK liên tục gửi thông điệp liên quan đến những giải pháp, nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm ổn định TTCK.

Tuy nhiên, thị trường vẫn liên tục sụt giảm, hết ngưỡng hỗ trợ tâm lý này đến ngưỡng hỗ trợ tâm lý khác bị phá vỡ. Nhiều NĐT cho rằng, cần phải thực hiện triệt để và mạnh mẽ những giải pháp được coi là đồng bộ và toàn diện này.

Giải pháp đúng nhưng thực hiện phải mạnh mẽ

Công văn 319/TTg-KTTH do Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký ngày 3/3/2008 nêu rõ 19 giải pháp kiềm chế lạm phát và bình ổn TTCK. Những giải pháp này được coi là rất đúng đắn và triệt để.

Tuy nhiên, các bộ, ngành chức năng có liên quan đã thực hiện đến đâu? Theo nguyên lý quản trị hiệu quả, không cần xem mức độ thực hiện, chỉ cần nhìn vào con số lạm phát tháng 4/2008 cũng cho thấy những khó khăn trong bài toán kiềm chế lạm phát.

Một trong những giải pháp mà các cơ quan quản lý chú trọng thực hiện để bình ổn TTCK là việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua vào cổ phiếu.

Điều này được nhắc tới trong cả Công văn 319/TTg-KTTH, Công văn 1909/VPCP-KTTH và trong thông điệp của UBCK gửi các NĐT. Với việc cho phép SCIC mua vào cổ phiếu, các cơ quan quản lý muốn gửi thông điệp đến công chúng đầu tư là: TTCK đã ở mức tốt, hãy mua vào (giống như SCIC!).

Tuy nhiên, thông điệp này chỉ có hiệu quả trong hai phiên, trước khi TTCK lại trở về hướng chuyển động cũ là sụt giảm. NĐT đặt câu hỏi: SCIC liệu có mua vào như đã công bố? Có hai lý do để họ phải thắc mắc khả năng mua vào của SCIC.

Thứ nhất, ai là người của SCIC thực hiện đặt lệnh mua vào cổ phiếu? Người ta đặt ra câu hỏi này bởi bảo toàn và phát triển nguồn vốn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của SCIC. Ai chịu trách nhiệm nếu việc mua vào chẳng may làm thất thoát vốn?

Thứ hai, trong Công văn 420/UBCK-PTTT ngày 25/3/2008, UBCK đề nghị SCIC công bố hàng tuần tổng khối lượng và giá trị giao dịch. Tuy nhiên, đến giờ vẫn không thấy SCIC công bố, báo chí hỏi thì nhận được câu trả lời từ phía UBCK là: SCIC đang nghiên cứu để trình Chính phủ đề án giao dịch đặc biệt, nên họ đề nghị chưa công bố khối lượng giao dịch.

Tuy nhiên, ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC lại vừa cho biết, SCIC không có quy chế giao dịch nào cả và hiện đơn vị này vẫn thực hiện giao dịch theo chỉ đạo trên cơ sở lựa chọn các cổ phiếu tốt.

Như vậy, có hay không chuyện SCIC mua vào cổ phiếu, mua vào bao nhiêu hay đây chỉ là “đòn tâm lý”, khi các thông tin về giao dịch của SCIC không được công bố? NĐT biết tin ai?

Liên quan đến giải pháp bình ổn thị trường, trong Công văn 1909/VPCP-KTTH, Văn phòng Chính phủ đã giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng quốc doanh, vận động NHTM cổ phần tạm thời ngừng giải chấp cổ phiếu cầm cố, repo, từ đó làm giảm lượng cung trên thị trường.

Đây là điều mà nhiều NĐT mong mỏi, vì theo họ, lượng bán ồ ạt thời gian vừa qua dẫn đến tình trạng giá cổ phiếu liên tục giảm sàn phần lớn là lệnh bán của các NHTM khi thực hiện giải chấp.

Tuy nhiên, sau thông điệp này, lượng bán chỉ giảm trong khoảng nửa tháng, rồi lại tăng mạnh, khiến lòng tin về việc các NHTM ngừng giải chấp trở nên mong manh.

Nhiều ý kiến cho rằng, khối NHTM vẫn bán ra cổ phiếu cầm cố, bởi chẳng dại gì họ chấp nhận ngừng giải chấp trong bối cảnh giá chứng khoán vẫn tiếp tục giảm.

Những NĐT tin vào việc ngừng giải chấp cổ phiếu của các ngân hàng, tin vào việc SCIC sẽ “dốc hầu bao” mua cổ phiếu có thể đã bị thiệt hại, bởi từ khi Công văn 1909 được ban hành đến nay, chỉ số chứng khoán đã mất trên 10%.

Công cụ mới: bao giờ?

Ngay từ đầu năm 2008, UBCK đã liên tục đưa ra những thông điệp về nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ thị trường. Hàng loạt vấn đề được gợi mở: các công cụ phái sinh, nghiệp vụ margin account (giao dịch ký quỹ), NĐT được mở nhiều tài khoản, cùng mua-bán trong phiên...

Bao nhiêu NĐT đã từng hy vọng những vấn đề này sẽ sớm được áp dụng trong tháng 3, tháng 4? Lãnh đạo một CTCK phàn nàn rằng: UBCK dự kiến sẽ đưa nghiệp vụ giao dịch ký quỹ vào thực hiện trong tháng 4, nhưng tháng 5 sắp qua, thị trường vẫn chưa thấy động tĩnh gì!

Biết rằng, việc sử dụng công cụ hành chính để điều tiết thị trường không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả. Nhưng với rất nhiều giải pháp đưa ra, mục đích là để hỗ trợ TTCK, thì trước hết, phải lấy được niềm tin của những người tham gia thị trường.

NĐT cần được biết, trong số những giải pháp mà Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCK công bố, các cơ quan có liên quan đã làm hay chưa? Làm như thế nào?

(Theo DTCK)