Về mặt lý thuyết, giữa các kênh đầu tư ở trong nước, thậm chí giữa các kênh ở trong nước với thế giới, có quan hệ với mức độ khác nhau, có thể gián tiếp, có thể trực tiếp gần như bình thông nhau. Do vậy, bất cứ động thái nào ở kênh đầu tư này cũng có những tác động nhất định đến kênh đầu tư kia.

Công cuộc kiềm chế lạm phát ở trong nước đã được coi là mục tiêu số một từ ba tháng nay (nếu kể từ lúc Ngân hàng Nhà nước có hàng loạt biện pháp thắt chặt tiền tệ thì còn sớm hơn), nhưng tốc độ tăng giá của từng tháng trong những tháng qua vẫn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của các tháng cùng kỳ năm trước (tháng một tăng 2,38% so với tăng 1,05%, tháng hai tăng 3,56% so với tăng 2,17%, tháng ba tăng 2,99% so với giảm 0,22%, tháng tư tăng 2,20% so với tăng 0,49%, tháng năm ước tăng không dưới 2,2% so với tăng 0,77%). Tình hình trên, ngoài các nguyên nhân có tính chất “kinh điển” (tiền tệ, tỷ giá, chi phí đẩy, cầu kéo), còn có một nguyên nhân ít người đề cập, đó là một lượng tiền không nhỏ từ thị trường chứng khoán (gần như liên tục giảm), từ thị trường bất động sản (từ một vài tháng nay), từ thị trường vàng (giảm đột ngột từ 19,7 triệu đồng/lượng xuống còn 17,1 triệu đồng/lượng, gần đây tăng trở lại ở mức trên 18 triệu), từ tiền tiết kiệm (khi lãi suất tiết kiệm bị thực âm kéo dài, mãi gần đây mới tăng trở lại)... đã chuyển sang thị trường hàng hóa, dịch vụ, tạo sức ép tăng giá tiêu dùng.

Từ 19.5, theo cơ chế điều hành mới về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng lên với mức rất khác nhau, nhưng xoay quanh mức 14,5%/năm. Mức lãi suất này nếu so với mức lạm phát cả năm thì vẫn còn bị thực âm, nhưng theo dự đoán, nếu so với mức lạm phát trong những tháng còn lại của năm nay thì lãi suất có thể chuyển sang thực dương (lãi suất khoảng 1,2%/tháng so với lạm phát khoảng 1%/tháng). Trong điều kiện một số kênh đầu tư khác giá đang giảm xuống hoặc chưa có dấu hiệu quay đầu, đến lãi suất danh nghĩa cũng bị âm, thì gửi tiết kiệm đang là lựa chọn phù hợp đối với các nhà đầu tư, ít nhất cũng đỡ rủi ro, vẫn có lãi suất danh nghĩa và có thể thực dương.

Do vậy, trong ngắn hạn, giá chứng khoán chưa thể tăng, thậm chí còn bị giảm. Ngoài các yếu tố vẫn tác động trước đây, còn có yếu tố mới là lãi suất tiết kiệm tăng. Khi lãi suất tiết kiệm tăng, những người có vốn đầu tư mới sẽ gửi tiết kiệm chứ chưa đầu tư vào chứng khoán, khi giá chứng khoán đang liên tục giảm; những nhà đầu tư chứng khoán, nhất là những nhà đầu tư nhỏ lẻ đã bán chứng khoán vừa để cắt lỗ, vừa để chuyển sang gửi tiết kiệm nhằm thu lãi.

Tuy nhiên, về trung và dài hạn, khi lãi suất tiết kiệm tăng thì tiền huy động từ dân cư tăng, khả năng thanh khoản của các ngân hàng sẽ được cải thiện. Khi khả năng thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện, thì áp lực giải chấp chứng khoán cầm cố sẽ giảm bớt, việc “xả” hàng từ các ngân hàng cũng sẽ dừng hoặc ít nhất cũng chậm lại. Khi giá chứng khoán còn giảm như thế; nhưng chỉ cần giá chứng khoán tăng trong một số phiên thì tiền tiết kiệm sẽ lại quay đầu trở về với chứng khoán. Nhưng có lẽ phải có một thời gian nữa, khi lạm phát được kiềm chế một bước, chính sách tiền tệ được nới lỏng dần.

(Theo ThanhNien)