Khi cổ phiếu (CP) OTC lẫn trên sàn niêm yết mất giá trầm trọng, hàng loạt vụ "lật kèo" mua bán suất đã xảy ra.

Một nhà đầu tư tại TP.HCM ấm ức kể, cách đây hơn một năm, anh bán 100 CP ưu đãi của một công ty trong lĩnh vực giải khát cho một đối tác với giá 7 triệu đồng/CP (mệnh giá 1 triệu đồng). Thời điểm này, chứng khoán đang nóng hừng hực, các CP ngành thực phẩm - giải khát được giới đầu tư săn lùng nên dù chưa được làm thủ tục sang tên, đối tác này cũng sẵn sàng trả tiền, thủ tục chỉ là một tờ giấy viết tay có chữ ký của hai bên giao hẹn khi được chuyển nhượng CP, bên bán phải làm thủ tục sang tên cho bên mua. Thị trường đảo chiều, vào một ngày "xấu trời" cách đây khoảng 1 tháng, bên mua đột ngột tìm đến người bán bắt phải sang tên sổ cổ đông, nếu không phải trả lại số tiền 700 triệu đồng! Tất nhiên việc sang tên là không thể vì CP này chưa tới thời hạn được giao dịch theo quy định của đơn vị phát hành. Liên tục trong 1 tuần sau đó, người mua hết gọi điện thoại, tìm đến nhà riêng rồi lại tìm đến cơ quan đòi thanh lý việc mua bán, trả lại tiền, lần nào người này cũng dẫn theo 2 người đàn ông "đầu trọc, xâm mình". Không còn cách nào khác, nhà đầu tư này phải "ngậm đắng nuốt cay" xoay xở, vay mượn số tiền 700 triệu đồng trả lại cho người này. "Tức quá nhưng không biết làm thế nào. Thôi thì của đi thay người. Mình không trả họ cũng chẳng làm gì được nhưng mình ở ngoài sáng, người ta ở trong tối. Nhỡ có việc gì ai nuôi vợ, con" - anh chặc lưỡi tự an ủi.

Một nhà đầu tư khác cũng bị "bùng" mất 600 triệu đồng cũng chỉ vì chứng khoán sụt giảm. Nhà đầu tư này bán cho một người bạn CP ngân hàng Đ. tại thời điểm chứng khoán đang nóng. Vì là bạn bè thân nên sau khi sang tên sổ cổ đông đầy đủ, người bạn này đã đề nghị được vay luôn số tiền 600 triệu đồng với lãi suất 1%/tháng trong vòng 1 năm. Đến thời điểm hiện nay, thời hạn cho vay đã hết, người bạn "quý hóa" này trở mặt không chịu trả tiền, nại lý do là CP mất giá quá nên không có tiền để trả. "Không lẽ bạn bè lại phải lôi nhau ra tòa hay dùng luật giang hồ với nhau", nhà đầu tư nói trên chán nản. Vụ việc này vẫn còn dằng dai nhưng khả năng đòi lại số tiền này là rất khó.

Ở thời điểm thị trường đang nóng, chứng khoán tăng giá vùn vụt, rất nhiều người đã ùn ùn mua quyền, bán suất nhiều loại CP bất chấp cảnh báo của các chuyên gia pháp lý về rủi ro trong các giao dịch kiểu này. Chỉ đến khi thị trường sụt giảm mạnh từ đầu năm 2008 đến nay, nhiều người mới có dịp ngồi lại, kiểm điểm lại và giật mình về các thương vụ mua bán bạc tỉ với giao kèo chỉ bằng một tờ giấy tay. Một nhà đầu tư mua CP ưu đãi của một bệnh viện tại TP.HCM kể, đầu năm 2007 anh bỏ 200 triệu đồng mua 5.000 CP ưu đãi của đơn vị này. Theo quy định thì 2 năm sau CP này mới được sang tên và người bán cho anh cũng không phải là người đứng tên trên sổ cổ đông. Phải mất rất nhiều công sức và thời gian anh mới liên lạc được với chính chủ "bắt tay làm quen và duy trì mối quan hệ" để hết 2 năm sau được làm thủ tục sang tên sổ cổ đông. Hơn 1 năm trời nhấp nhổm "chỉ sợ người ta thay đổi số điện thoại là mất trắng 200 triệu đồng vì chẳng biết đâu mà tìm", anh nói. Cũng may, do thị trường sụt giảm quá mạnh, bệnh viện này chính thức tháo khoán, cho sang nhượng CP trước thời hạn. "Nghĩ lại mới thấy mình liều. Số tiền đó vợ chồng tích cóp bao lâu mà mang đi đầu tư kiểu đó, lỡ mất thì biết kêu ai", anh nói.

Thị trường sụt giảm, thua lỗ trở thành chuyện bình thường của các nhà đầu tư. Tuy nhiên đang thua lỗ mà còn bị "lật kèo" như nói trên thì quả là nỗi đau không thể nguôi ngoai một sớm một chiều!

(Theo ThanhNien)