Nhà đầu tư chứng khoán khắp châu Á, Âu và Mỹ thời gian gần đây không thể vui vẻ khi không có nhiều thông tin tốt hỗ trợ thị trường.

TTCK châu Á phiên cuối tuần sụt giảm khiến chỉ số chính của khu vực có mức hạ theo tuần nhiều nhất từ tháng 3. Nguyên nhân lớn là cổ phiếu của công ty nhóm ngành năng lượng sụt giảm.

Theo các chuyên gia nhận định, giá dầu tăng cao trong thời gian vừa qua, tuy nhiên sự tăng giá này không đều. Nhu cầu dầu sẽ hạ xuống khi người ta thấy rõ sự chững lại của kinh tế toàn cầu.

Chỉ số MSCI khu vực châu Á – Thái Bình Dương hạ 0,6% xuống mức 150,36 tại Tokyo. Khoảng hơn một nửa số mã trên sàn giảm giá, cổ phiếu của nhóm ngành năng lượng sụt giảm nhiều nhất trong 10 nhóm ngành.

Phần lớn chỉ số chính của các thị trường chứng khoán trong khu vực đều sụt giảm, dẫn đầu là chỉ số Karachi Stock Exchange 100, mức giảm 4,8%. TTCK Việt Nam cho đến nay được coi là thị trường chứng khoán có tình hình xấu nhất trong khu vực. TTCK Việt Nam đã mất điểm phiên thứ 15 liên tiếp, đây là khoảng thời gian sụt giảm lâu nhất trong 4 năm rưỡi. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,2% lên mức 14.012.20 điểm.

Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đồng thời mất điểm, mức mất điểm tuần mạnh nhất từ ngày 18/04. Nguyên nhân là lo ngại lạm phát tăng khi giá dầu tăng và trận động đất mạnh gần đây khiến người ta ngày càng lo lắng nhiều hơn về con số thương vong có thể lên tới 80 nghìn người.

TTCK Mỹ mất điểm mạnh nhất trong 04 tháng

TTCK Mỹ tuần qua mất điểm nhiều nhất trong 04 tháng do lo ngại kinh tế sẽ suy yếu khi các ngân hàng và tổ chức môi giới thua lỗ nhiều hơn và giá dầu tăng cao ảnh hưởng tiêu cực đến chi tiêu tiêu dùng.

Cổ phiếu của các tổ chức tài chính lớn như Lehman Brothers Holdings Inc, Morgan Stanley và Merrill Lynch sụt giảm nhiều nhất so chuyên gia phân tích giảm kỳ vọng lợi nhuận. Nguyên nhân khác là FED có thể sẽ ngừng cắt giảm lãi suất. Giá dầu vượt qua mức 130USD/thùng, doanh số bán nhà giảm chưa từng thấy trong tháng 4, cổ phiếu của nhóm ngành tiêu dùng sụt giảm chỉ sau nhóm ngành tài chính.

Chỉ số S&P 500 giảm 3,5%, mức giảm sâu nhất từ tuần đầu tiên của tháng 2. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 3,9% xuống 12.479,63 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 3,3% xuống 2.444,67 điểm. Chỉ số Russel 2000 giảm 2,3% xuống 724,10 điểm.

Cổ phiếu của cả 10 nhóm ngành trong chỉ số S&P 500 đều giảm khiến các chỉ số chính của thị trường đóng cửa ở mức thấp nhất từ ngày 11/04. Tính từ đầu năm 2008, chỉ số S&P 500 giảm 6,3%.

Cổ phiếu của nhóm ngành tài chính thuộc chỉ số S&P500 giảm 6,1%, mức thấp nhất từ ngày 14/03. Các công ty nhóm ngành tài chính cho đến nay đã thua lỗ tổng số 380 tỷ USD do thị trường cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn đi xuống.

Các quan chức của FED mới đây đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm 2008 khoảng gần 1% và đồng thời tăng dự báo lạm phát trong bối cảnh các ngân hàng hạn chế cho vay tiền và giá dầu tăng gấp đôi trong năm 2007.

(Tổng hợp từ Bloomberg, FT)