Thị trường chứng khoán đang trong cơn giảm giá, cổ phiếu của các công ty chứng khoán cũng không ngoại lệ, thậm chí sự sụt giảm của cổ phiếu ngành này còn nặng nề hơn.

Xuống dưới mệnh giá

Ngày 24.5, trên các mạng giao dịch trực tuyến, giá cổ phiếu (CP) của các công ty chứng khoán (CTCK) được rao bán thấp đến không ngờ. CP của CTCK FPT (FPTS) được rao ở giá 11.000 – 13.000 đồng/CP (mệnh giá 10.000 đồng); CTCK Châu Á Thái Bình Dương (APEC): 13.000 – 14.000 đồng/CP; CTCK Thiên Việt (TVSC) và CTCK Gia Quyền (EPS) có giá 10.000 đồng/CP; CTCK VNS giá 11.000 đồng/CP; CTCK Dầu khí (PVSC) giá 12.000 đồng... Thậm chí CP của CTCK Đại Việt (DVSC) được rao ở mức 70.000 - 75.000 đồng/CP (mệnh giá 100.000 đồng). Giá hầu hết CP của các CTCK trên đều giảm 3-4 lần so với hồi đầu năm nay. Nếu so với thời vàng son trong năm 2007 thì mức giá này đã giảm đến hàng chục lần.

Ngoài thị trường OTC là vậy, trên sàn niêm yết, giá CP các CTCK Sài Gòn (SSI), CTCK Bảo Việt (BVS), CTCK Hải Phòng (HPC) và CTCK Kim Long (KLS) cũng liên tục giảm. Giá CP BVS ở thời đỉnh cao là 635.000 đồng/CP thì hiện nay chỉ còn 47.400 đồng/CP; SSI hiện còn 35.100 đồng/CP trong khi giá cao nhất có lúc đạt 285.000 đồng/CP; HPC còn 28.300 đồng/CP (đỉnh cao nhất đạt 178.600 đồng/CP); KLS còn 14.200 đồng/CP (giá cao nhất là 68.200 đồng/CP). Tổng giám đốc một CTCK tại TP.HCM cho rằng, giá CP các công ty này giảm mạnh không chỉ do tình hình kinh doanh của CTCK khó khăn mà còn do nhà đầu tư đã mất lòng tin vào thị trường chứng khoán nói chung. “Hiện nay các nhà đầu tư đều có suy nghĩ rằng các CTCK sẽ bị thua lỗ. Vì vậy việc bán tháo CP của các công ty trong ngành này là điều đang xảy ra. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng có những CTCK vẫn hoạt động có hiệu quả dựa vào tiềm lực của họ”, vị tổng giám đốc này nói.

Lao đao với nguồn thu

CTCK Bảo Việt đã công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý 1/2008. Theo đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính đạt 41 tỉ đồng (quý 4/2007 là 69,6 tỉ đồng); doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính đạt 5,7 tỉ đồng (quý 4/2007 là 6,3 tỉ đồng). Trong khi đó, CTCK Sài Gòn (SSI) quý 1/2008 đạt doanh thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán là 350,5 tỉ đồng và lãi đầu tư là 35,3 tỉ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 128 tỉ đồng. Mức lợi nhuận đó giảm 75,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, nghị quyết Đại hội cổ đông SSI cũng đã thông qua chỉ tiêu kinh doanh với doanh thu 950 tỉ đồng (giảm 30% so với năm 2007) và lợi nhuận trước thuế đạt 550 tỉ đồng (giảm khoảng 43% so với năm 2007) do nhận định diễn biến của thị trường không còn thuận lợi...

Tuy nhiên, đó chỉ là những kết quả ban đầu của những CTCK thuộc hàng “top ten” trong ngành chứng khoán. Tình hình sẽ khó khả quan hơn trong thời gian tới, thậm chí nhiều nhà đầu tư cho rằng kết quả kinh doanh của các CTCK trong quý 2/2008 sẽ là một con số khá “thê thảm”. Thử tưởng tượng tổng giá trị giao dịch chứng khoán trên hai sàn niêm yết từ đầu tháng 5 đến nay chỉ xoay quanh mức 300 tỉ đồng/phiên, thậm chí có những phiên chỉ đạt 100 tỉ đồng. Với mức phí giao dịch là 0,2%, tính cả bên mua và bên bán tổng cộng là 0,4%, thì các CTCK thu được mỗi ngày khoảng 1,2 tỉ đồng. Nếu chia đều cho gần 80 CTCK đang hoạt động hiện nay thì mỗi ngày một công ty chỉ thu vào được 15 triệu đồng. Doanh thu đó không đủ bù chi phí hàng ngày mà các CTCK phải duy trì hoạt động gồm lương nhân viên, phí thuê văn phòng, chi phí trả cho Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội...

Bên cạnh đó, phần doanh thu chính từ mảng tự doanh của các CTCK cũng đang trở thành con số không, thậm chí là chưa nói đến việc thua lỗ nặng nề từ hoạt động này. Giá các loại CP trên sàn lẫn dưới sàn đã giảm từ 50 – 70% so với đầu năm nay thì mức lỗ của các CTCK không nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay những khoản thua lỗ này có thể không được nhắc đến vì chưa bán ra và chưa được hạch toán. Do đó, sự lo sợ của các nhà đầu tư là có cơ sở và họ không còn thiết tha nắm giữ CP ngành chứng khoán nữa.

(Theo ThanhNien)