Với khoảng 30 công ty niêm yết, có những lúc cổ phiếu họ Sông Đà (SDx) làm mưa, làm gió trên sàn HaSTC với mức tăng chóng mặt. Nhưng hiện tại, các mã chứng khoán này cũng có mức giảm rất mạnh.

Tháng 10.2007, nhiều cổ phiếu (CP) SDx đã đồng loạt tăng giá, bất kể tình hình kinh doanh của công ty tốt hay xấu, có những mã CP tăng tới 100% chỉ trong vòng hai tuần. Lúc đó, nhiều nhà đầu tư chỉ "kết" họ Sông Đà, mua Sông Đà, bán cũng Sông Đà. Nhà đầu tư mới thì mua SDx theo phong trào, thậm chí chẳng cần biết tên chính xác của công ty đó là gì, cứ mã CP nào bắt đầu bằng chữ SD là "xuống" tiền. Giải thích về hiện tượng này, nhiều nhà đầu tư cho rằng CP SDx tăng giá chủ yếu do yếu tố tâm lý, do một vài công ty đầu đàn làm ăn tốt và CP tăng giá, rồi tạo hiệu ứng dây chuyền kéo các CP khác lên theo.

Nhưng hiện tại, thời hoàng kim của họ Sông Đà đã lùi xa. Tất nhiên trong bối cảnh thị trường quá yếu ớt như hiện nay thì hầu hết các CP đều ít nhiều giảm giá, trong đó có cả CP SDx. Thực ra, xu hướng giảm giá của họ SDx đã xuất hiện từ đầu tháng 12.2007 nhưng với mức độ thấp. Theo thống kê, từ ngày HaSTC-Index đạt đỉnh 392 điểm (ngày 1.11.2007), cho đến nay (28.2) chỉ số HaSTC đã giảm 159,67 điểm, tương đương với 40,43%. So với mức sụt giảm chung của thị trường, mã chứng khoán SDx giảm nhiều hơn mức trung bình của HaSTC-Index.

Phần lớn mã SDx đều có mức giảm trên 41%, thậm chí có mã giảm tới trên 50%. Chẳng hạn như, CP S91 có lúc đến 100.000 đồng, đến nay xuống còn 45.500 đồng, giảm tới 54,5%; CP SD6 từ 142.500 đồng, nay xuống 58.500 đồng, giảm 58,9%; CP SDT giảm 52,9%, từ 145.300 đồng xuống 68.500 đồng; CP SDC giảm 54,2%, từ 179.000 đồng xuống 82.000 đồng; CP SD7 giảm 51,1%, từ 221.000 đồng xuống 108.000 đồng; Sông Đà 12 mới lên sàn cũng chịu chung số phận... Thông tin hết sức quan trọng là Chính phủ cho phép thành lập Tập đoàn kinh tế Sông Đà, trên cơ sở nòng cốt là Tổng công ty Sông Đà và sắp xếp lại các tổng công ty xây dựng, cũng không chặn được mức sụt giảm của giá cổ phiếu họ SDx.

Lý giải về sự sụt giảm mạnh của CP SDx, chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SME cho biết: "Chủ yếu do quan hệ cung - cầu trên thị trường, do tác động từ các chính sách của Chính phủ và một yếu tố rất quan trọng nữa là tâm lý nhà đầu tư".

Cặn kẽ hơn, giám đốc bộ phận của một công ty chứng khoán nhận xét: "Có những lúc CP SDx tăng nhanh, tăng cao hơn nhiều những CP tốt. Mức tăng đó hoàn toàn không phải tăng cơ bản, tức là không phải tăng do các yếu tố như doanh thu, lợi nhuận". Cũng cần nói thêm rằng, các CP SDx đều có chung ngành nghề kinh doanh là xây dựng, sản xuất điện năng, sản xuất vật liệu xây dựng...

Đây không phải là những lĩnh vực kinh doanh thu được lợi nhuận cao như tài chính, bất động sản hay một số ngành đặc thù. Vị giám đốc trên cho biết thêm: "Trong số những CP Sông Đà, có nhiều đơn vị trước đây chỉ là xí nghiệp, sau này nâng lên công ty cổ phần, vốn điều lệ chủ yếu từ 10 - 30 tỉ đồng. Đây là những CP nhỏ, rất dễ bị các đại gia làm giá và trên thực tế cũng không loại trừ đã có yếu tố làm giá. Trong thời gian họ Sông Đà tăng nhanh, có rất nhiều người lướt sóng, kiếm được lợi nhuận tương đối lớn. Khi thị trường đảo chiều, nhà đầu tư tìm đến những CP có giá trị nội tại tốt, những CP tiềm ẩn yếu tố bị làm giá sẽ bị nhà đầu tư loại ra khỏi rổ đầu tư của mình. Điều này lý giải vì sao các mã CP SDx có tốc độ giảm giá cao hơn so với mức trung bình của thị trường".

(Theo ThanhNien)