Rất nhiều nhà đầu tư cổ phiếu phải chấp nhận bán lỗ từ 30-50%. Chỉ số chứng khoán VN-Index đã tụt xuống dưới 650 điểm - mức của tháng 11/2006.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tháng 3/2008 (sáng 3/3), chỉ số VN-Index tiếp tục giảm mạnh 28,06 điểm (tương đương giảm 4,23%) xuống 635,24 điểm.

Như vậy, trong tổng số 15 phiên giao dịch kể từ Tết Nguyên đán tới giờ, chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam đã giảm 13 phiên và chỉ có 2 phiên tăng giá. Trong tháng trước, VN-Index đã giảm tổng cộng gần 23%.

Hai mốc tâm lý là 800 và 700 điểm đã nhanh chóng bị phá vỡ và trước mắt là mốc 600 điểm. Giá cổ phiếu giảm mạnh nhưng khối lượng giao dịch vẫn đứng ở mức khá khiêm tốn, 10,74 triệu đơn vị (trị giá 597,7 tỷ đồng).

Các cổ phiếu blue-chips tiếp tục giảm giá mạnh.

Thông tin tốt chưa xoay chuyển được tình thế

Cuối tuần qua, các nhà đầu tư chứng khoán nhận bản báo cáo Asian Strategy thường kỳ của HSBC trong đó tổng kết tình hình thị trường chứng khoán châu Á trong 2 tháng qua và đưa ra một số lời khuyên cho khách hàng của mình.

Đáng chú ý, Việt Nam được xếp trong hàng 6 nước mà HSBC khuyến nghị ưu tiên đầu tư ở mức cao nhất, mức OW hay OverWeight - Buy. (OW hay OverWeight nghĩa là đầu tư vào quốc gia đấy với tỉ lệ của tổng danh mục (tỉ lệ danh mục) cao hơn tỉ lệ đại diện của quốc gia đó trong chỉ số Chứng khoán của Châu Á - Thái Bình Dương, trừ Nhật).

Đây là lần đầu tiên HSBC đã xếp Việt Nam vào danh mục được khuyến nghị tỉ lệ đầu tư ưu tiên cao nhất châu Á cùng với 5 nước khác là Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore và Thái Lan.

Theo HSBC, vì mức độ suy giảm quá đà, chỉ số PE toàn thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ còn khoảng 13 - một mức quá hấp dẫn để đầu tư

Nhà đầu tư bi quan quá mức?

Mặc dù lỗ từ 30-50% và nếu tính thêm cả lạm phát thì còn cao hơn nữa nhưng lượng đặt bán cổ phiếu vẫn đang tăng rất mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch sáng nay, lượng dư bán ở mức giá sàn tràn ngập ở hầu hết các mã cổ phiếu, trong khi dư mua hầu như không còn.

“Không thể tưởng tượng được, cổ phiếu bán sàn mà chẳng ai thèm mua. Không có nhà đầu tư nào mà bán cổ phiếu của mình rẻ mạt như vậy. Rất có thể các ngân hàng và công ty chứng khoán bán cổ phiếu của nhà đầu tư cầm cố thôi. Nếu đúng như vậy thì nhà đầu tư nào lỡ cầm cổ phiếu ngân hàng coi như mất trắng”, anh Nguyễn Vỹ, một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán An Bình phán đoán.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư khác cho rằng, dù có lỗ nhưng giải pháp bán ra vẫn được chính họ tính tới bởi vì không bán thì… càng lỗ nặng hơn.

“Biết là cổ phiếu đã giảm xuống mức giá rất thấp và hấp dẫn rồi nhưng tôi vẫn phải bán ra bởi cổ phiếu vẫn đang đua nhau giảm giá. Bán sớm thì sau đó mua vào được giá rẻ hơn. Đây cũng là một biện pháp giảm lỗ”, anh Nguyễn Văn Doanh, một nhà đầu tư ở Bắc Giang cho biết.

Một số nhà đầu tư khác tỏ ra bình tĩnh hơn: “Tôi vẫn đứng lại nhìn thị trường mặc dù ngày nào cũng theo rất sát nó. Đi đường mà gặp sương mù thì tốt nhất vẫn là tìm nơi nghỉ ngơi chờ cho sáng sủa rồi đi tiếp vẫn hơn là loay hoay cố gắng mệt mỏi đi trong sương mù”, một nhà đầu tư cho biết.

Sàn chứng khoán TP.HCM ngày 3/3: Hơn 120 mã giảm sàn

Kết thúc phiên giao dịch sáng 3/3, trong tổng số 153 mã chứng khoán niêm yết trên sàn, chỉ có 2 mã tăng giá, 2 mã đứng giá, còn lại 149 mã “nhuộm đỏ”, trong đó có 126 mã giảm sàn.

Thị trường ghi nhận 7 trên 10 cổ phiếu có ảnh hưởng lớn đến thị trường đã giảm sàn.

Cụ thể, trong nhóm này giảm mạnh nhất là FPT của CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ FPT giảm 7.000 đồng xuống 134.000 đồng/cổ phiếu, tiếp đến là VNM của Vinamilk giảm 5.000 đồng xuống 112.000 đồng/cổ phiếu, ITA của CTCP KCN Tân Tạo giảm 4.500 đồng xuống 90.000 đồng/cổ phiếu.

2 cổ phiếu cùng giảm 2.500 đồng là STB của Sacombank và DPM của Đạm Phú Mỹ xuống tương ứng 49.000 đồng/cổ phiếu và 53.500 đồng/cổ phiếu. HPG của Hoà Phát và SSI của Chứng khoán Sài Gòn cùng giảm 4.000 đồng xuống các mức 76.500 đồng/cổ phiếu và 84.500 đồng/cổ phiếu.

Các mã còn lại giảm giá là VPL của Vinpearl JSC giảm 1.000 đồng xuống 124.000 đồng/cổ phiếu; PPC của Nhiệt điện Phả Lại giảm 2.000 đồng xuống 45.500 đồng/cổ phiếu; PVD của PV Drilling giảm 3.000 đồng xuống 114.000 đồng/cổ phiếu.

Giảm giá mạnh nhất là 3 cổ phiếu BMC, TCT và NTL cùng giảm 10.000 đồng. Tiếp sau đó là các mã SJS, DQC, DHG giảm chung mức 8.000 đồng.

Ở chiều ngược lại có 2 mã tăng giá là DIC của CTCP Đầu tư và Thương mại Dic tăng 1.000 đồng, và SGT của CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn bất ngờ tăng trần 3.500 đồng lên 79.500 đồng/cổ phiếu.

2 cổ phiếu đứng giá là BBC của Bibica và CLC của CTCP Cát Lợi ở các mức 81.500 đồng/cổ phiếu và 48.000 đồng/cổ phiếu.

Về khối lượng khớp lệnh, dẫn đầu là STB với hơn 1,9 triệu cổ phiếu, DPM với gần 1.5 triệu cổ phiếu, SSI với 512.360 cổ phiếu, sau đó là các mã PRUBF1, PPC, VFMVF1, HAP, PVD...

3/3: HASTC-Index lùi dần về 200 điểm

Tâm lý bi quan, chán nản, thất vọng của nhà đầu tư đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục thêm chuỗi ngày mất điểm, giao dịch trầm lắng.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần (3/3) cũng là phiên giao dịch đầu tiên trong tháng 3, thị trường chứng khoán sàn Hà Nội thêm một phiên mất điểm mạnh, màu đỏ tiếp tục là màu quen thuộc trên bảng điện tử giao dịch, hàng loạt cổ phiếu chủ chốt tiếp tục chìm trong cơn bão giảm giá.

Chỉ số HASTC-Index của sàn Hà Nội ngày càng lùi sâu về mốc 200 điểm khi chốt phiên giao dịch sáng nay HaSTC-Index giảm mạnh 14,02 điểm (tương đương giảm 6,14%) đóng cửa ở mức 214,22 điểm.

Theo thống kê, toàn phiên chỉ có vỏn vẹn 10 tăng giá, 2 mã đứng giá, 3 mã không có giao dịch, còn lại 114 mã tiếp tục quay đầu đi xuống.

Trong tổng số 114 mã giảm giá đều có sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn. Cụ thể, đầu tàu ACB giảm thêm 2.900 đồng, BVS giảm 5.500 đồng, BMI giảm quay đầu giảm 4.200 đồng, HPC giảm 5.100 đồng, KBC giảm 2.800 đồng, NTP giảm 4.100 đồng, PAN giảm 7.300 đồng, PVI giảm 2.400 đồng, PVS giảm 4.700 đồng, VC2 giảm 7.700 đồng, VNR giảm 800 đồng…

Tổng khối lượng và giá trị của nhà đầu tư nước ngoài phiên này sụt giảm mạnh so với phiên liền trước đạt 147.700 cổ phiếu tương đương giá trị đạt hơn 8,7 tỷ đồng. Phiên này, khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua vào nhiều hơn bán ra.

Cụ thể, khối này mua vào 23 mã với tổng khối lượng là 98.300 cổ phiếu, giá trị hơn 6,6 tỷ đồng và bán ra 13 mã với tổng khối lượng đạt 49.400 cổ phiếu, giá trị đạt hơn 2 tỷ đồng.

(Theo VietnamNet)