Những thông tin được đánh giá là có tính chất hỗ trợ thị trường vừa công bố cuối tuần qua đã không thể làm xoay chuyển tình hình. Tình trạng nhà đầu tư đồng loạt phải chấp nhận bán lỗ đã khiến TTCK tiếp tục rơi tự do.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 4/3, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm mạnh 26,36 điểm (tương đương giảm 4,14%) xuống 608,88 điểm.

Như vậy, trong tổng số 16 phiên giao dịch kể từ Tết Nguyên đán tới giờ, chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam đã giảm 14 phiên và chỉ có 2 phiên tăng giá. Trong tháng 2/2008, VN-Index đã giảm tổng cộng gần 23%.

Mốc tâm lý 650 điểm đã nhanh chóng bị phá vỡ và rất có thể mốc 600 điểm cũng sẽ bị phá vỡ trong phiên ngày mai.

Một điều đáng thất vọng là cho dù giá cổ phiếu đã mất trung bình khoảng 50% nhưng sức cầu vẫn ở mức rất thấp. Tổng khối lượng giao dịch thông qua khớp lệnh sáng nay chỉ đạt gần 8,7 triệu đơn vị, trị giá hơn 500 tỷ đồng.

Sự giảm giá mạnh của chứng khoán trong những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008 được cho là do mất cân đối về cung - cầu cổ phiếu, lạm phát đứng ở mức cao, chứng khoán thế giới chao đảo… Mặc dù giá cổ phiếu đã giảm rất nhiều và các bên liên quan đã có những động thái tìm cách giải quyết những vấn đề này nhưng thị trường đang cho một kết quả không mong đợi.

Thông tin tốt như “ném đá ao bèo”

Cuối tuần qua, HSBC, ngân hàng lớn nhất của Anh đã đưa ra một bán báo cáo với những nhận định tương đối tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, Việt Nam được xếp trong hàng 6 nước mà HSBC khuyến nghị ưu tiên đầu tư ở mức cao nhất vào thời điểm này, mức OW hay OverWeight - Buy.

Đây là lần đầu tiên HSBC đã xếp Việt Nam vào danh mục được khuyến nghị tỉ lệ đầu tư ưu tiên cao nhất châu Á cùng với 5 nước khác là Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore và Thái Lan.

Cùng thời điểm, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã thông báo sẽ đưa ra lưu thông thêm 60 tỷ USD trong tháng 3 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tín dụng. Đây là lần thứ sáu từ cuối năm 2007 đến nay, Fed sử dụng biện pháp này.

Tại Việt Nam, trước đó, Chính phủ cũng đã có những biện pháp khá mạnh với mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng lạm phát nhưng vẫn đảm bảo cho vay kinh doanh chứng khoán.

Cũng trong những ngày cuối tuần vừa qua, giá vàng trong nước đã có dấu hiệu chững lại, thị trường bất động sản cũng đã bớt nhiệt. Tuy nhiên, kết quả giao dịch chứng khoán phiên đầu tuần (3/3) đã làm cho khá nhiều người bất ngờ vì sự sụt giảm khá sâu của thị trường. Sáng nay, VN-Index tiếp tục lao dốc và chỉ còn cách ngưỡng 600 vài điểm.

4/3: Cổ phiếu bán giá sàn cũng không có người mua

Tiếp tục lặp lại kịch bản phiên sáng hôm qua, kết thúc phiên giao dịch sáng nay (4/3), lượng dư bán ở mức giá sàn tràn ngập ở hầu hết các mã cổ phiếu, trong khi dư mua hầu như không còn.

Trong tổng số 150 cổ phiếu và 3 chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn, có 3 mã đứng giá, 2 mã tăng giá và 145 mã giảm giá, trong đó hầu như toàn bộ các mã giảm sàn.

3 chứng chỉ quỹ đều giảm sàn, cụ thể MAFPF1 và PRUBF1 cùng giảm 400 đồng xuống tương ứng 7.600 đồng/ccq và 9.400 đồng/ccq, VFMVF1 giảm 900 đồng xuống 18.100 đồng/ccq.

Trong tốp các cổ phiếu lớn có ảnh hưởng nhiều đến thị trường có tới 8 mã giảm sàn.

Cụ thể, SJS của Sudico giảm 7.000 đồng xuống 149.000 đồng/cổ phiếu; FPT của CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ FPT giảm 6.000 đồng xuống 128.000 đồng/cổ phiếu; HPG của Hoà Phát giảm 3.500 đồng xuống 73.000 đồng/cổ phiếu…

2 mã cùng giảm 5.000 đồng là PVD của PV Drilling và VNM của Vinamilk xuống các mức tương ứng là 109.000 đồng/cổ phiếu và 107.000 đồng/cổ phiếu.

2 đại gia STB của Sacombank giảm 2.400 đồng xuống 46.600 đồng/cổ phiếu và DPM của Đạm Phú Mỹ giảm 2.500 đồng xuống 51.000 đồng/cổ phiếu.

Trong nhóm này mã không giảm sàn là VPL của Vinpearl JSC khi giảm 2.000 đồng xuống 122.000 đồng/cổ phiếu.

Trong số 2 cổ phiếu tăng giá, ngoài ITA (bất ngờ tăng trần) còn có IFS của CTCP Thực phẩm Quốc tế tăng nhẹ 100 đồng lên 26.000 đồng/cổ phiếu. 3 mã đứng giá là BT6 của bê tông 620 Châu Thới, DIC của CTCP Đầu tư Thương mại DIC và FPC của CTCP Full Power

Về khối lượng giao dịch, đứng đầu là STB với hơn 1,2 triệu cổ phiếu, DPM với 1.176.050 cổ phiếu, PRUBF1 với 476.740 ccq, sau đó là các mã PVD, PPC, VIC, ANV...

Như vậy, trong vài phiên gần đây, hàng loạt cổ phiếu danh một thời như FPT, STB, REE, SSI, SAM, GMD… đã bị bán tháo không thương tiếc ở mức giá sàn với những lệnh bán có khối lượng rất lớn. Rất nhiều khả năng, đây là các lệnh bán của các tổ chức, cụ thể là của các ngân hàng và các quỹ đầu tư trong nước. Cổ phiếu được bán ra là cổ phiếu cầm cố của các nhà đầu tư khi mà giá đã giảm quá giới hạn cho phép.

(Theo VnExpress)