Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/3, tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán tập trung (bao gồm 283 mã chứng khoán) chỉ đạt 324.400 tỷ đồng.

So với thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối năm 2007 (28/12/2007) có 249 mã chứng khoán và tổng giá trị vốn hóa đạt gần 500.000 tỷ đồng, thì dù tính cả sự "đền bù" của 34 mã chứng khoán niêm yết mới, tổng giá trị chứng khoán cũng bị mất tới hơn 200.000 nghìn tỷ đồng.

Với việc chỉ số giá cổ phiếu liên tục sụt giảm, thiệt hại cho mỗi nhà đầu tư là rất lớn. Với mức GDP của năm 2007 là 1.140.000 tỷ đồng, hiện tổng giá trị vốn hóa thị trường chỉ đạt 28% GDP.

Như trên đã nói, thị trường chứng khoán đã mất đi hơn 200.000 tỷ đồng, số tiền này đã đi đâu?

Một câu trả lời dễ có là, số tiền này nằm ở trong tài khoản của những người đã kịp "rút chạy" trước, trong và sau đợt giảm giá. Nhưng thực tế, số lượng này cũng không quá nhiều, vì khi một ai đó bán cổ phiếu để thu tiền về, tất nhiên, phải có người mua nó bằng chính số đã rút ra. Do vậy, hơn 200.000 tỷ đồng chỉ dành một phần nhỏ trong tài khoản nhà đầu tư.

Thực tế, hơn 200.000 tỷ đồng này chưa phải là tiền trong túi mỗi nhà đầu tư, mà nó là số tiền được định giá theo giá thị trường. Hãy giả thiết, một công ty niêm yết có 100 cổ phần, với giá đóng cửa phiên hôm trước là 50 đồng. Khi đó, giá trị vốn hóa của công ty là 5.000 đồng. Nếu trong phiên giao dịch hôm nay chỉ có 1 cổ phiếu được giao dịch với giá 40 đồng.

Vậy là, số tiền thực mất chính là số tiền giao dịch lỗ của 1 cổ phiếu với giá 40 đồng, tức là lỗ 10 đồng, dù tổng giá trị vốn hóa thị trường của công ty lúc này chỉ còn 4.000 đồng, giảm 1.000 đồng so với ngày trước đó.

Ngược lại, nếu giả thiết chỉ có 1 cổ phiếu được giao dịch trong phiên hôm nay với mức giá 60 đồng, khi đó nhà đầu tư thực tế lãi 10 đồng, trong khi giá trị vốn hóa tăng lên 6.000 đồng.

Qua ví dụ này, chúng ta có thể kết luận rằng, lãi hay lỗ của toàn thị trường chỉ có ý nghĩa tương đối, bởi chỉ có một phần nhỏ trong tổng số cổ đông thực hiện giao dịch. Chỉ thực sự là lãi hay lỗ nếu tất cả tổng giá trị vốn hóa thị trường chỉ đạt 28% GDP cùng chuyển cổ phiếu thành tiền. Tức là, quy trình T (tiền) - H (hàng - cổ phiếu) - T (tiền) kết thúc.

Mặc dù vậy, cũng phải thừa nhận rằng, trong đợt suy giảm này thì dù cổ đông chưa tiến hành giao dịch lần nào cũng bị thiệt hại, bởi họ không thể đổi số cổ phiếu của họ thành tiền với một giá trị hợp lý đáng lẽ phải có (tại mức giá trung bình chẳng hạn).

Một số nhà đầu tư cho rằng, càng ít thanh khoản, ít cổ phần thì càng dễ... làm giá và trong cơn bão giảm giá đang diễn ra thì càng ít chịu thiệt hại. Về danh nghĩa thì đúng, nhưng liệu nhà đầu tư có thể chuyển cổ phiếu thành tiền mặt với mức giá "treo" như vậy?

Xin cùng xem xét hành động của một cổ đông MHC. Cách đây mấy tháng, giá cổ phiếu MHC phục hồi sau một thời gian điều chỉnh sâu, khi ấy ai cũng mất nhiều nên không ai muốn bán ra. Những phút cuối đợt khớp lệnh phiên 3, bên bán trống trơn, bên mua dư nhiều nên nhà đầu tư này chấp nhận "hy sinh" 20 cổ phiếu để bán giá trần, giúp nâng giá tham chiếu của ngày hôm sau lên 5%...

Và vì tâm lý chờ đợi hồi phục, nhà đầu tư trên đã "hy sinh" tổng cộng 40 cổ phiếu trong 3 ngày để đưa giá MHC tăng trên 10%.

Đôi khi chỉ cần một hành động nhỏ, bạn cũng có thể thay đổi cục diện giá giao dịch, giúp cho thị trường không mất đi hàng ngàn tỷ đồng vốn hóa!

(Theo DTCK)