Ngày 26.3, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có công văn gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Trung tâm Giao dịch chứng khoán (TTGDCK) Hà Nội về việc mua lại cổ phiếu (CP) quỹ của công ty niêm yết. Công văn này đề nghị hai đơn vị trên tạo điều kiện cho các công ty niêm yết có thể mua lại CP làm CP quỹ theo đúng quy định. Trường hợp công ty niêm yết chưa có báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận, HOSE và TTGDCK Hà Nội yêu cầu công ty niêm yết mua lại CP quỹ có cam kết bằng văn bản về nguồn vốn hợp pháp của công ty. Sau khi có báo cáo kiểm toán được chấp thuận, công ty niêm yết phải công bố thông tin ra thị trường.

Hiện nhiều công ty cũng đã công bố việc mua lại CP của mình để làm CP quỹ. Ngày 26.3, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (STB) - cho biết STB vừa gửi công văn lên UBCKNN xin được dùng Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận giữ lại mua CP quỹ với khối lượng từ 3% - 5%/vốn điều lệ. "Hiện chúng tôi đang xin mua 1,38 triệu CP đối với 9 người mua phải đăng ký, trong đó tôi đăng ký mua thêm 1 triệu CP nữa, riêng cá nhân mua không phải đăng ký là 2,136 triệu CP. Hiện nay tổng quỹ của STB trên 1.800 tỉ đồng", ông Thành cho biết.

Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng đã gửi công văn lên HOSE xin mua lại 1 triệu CP SSI từ nguồn vốn quỹ khen thưởng - phúc lợi. Đồng thời ông Nguyễn Mạnh Hùng (em ruột ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SSI) cũng đăng ký mua vào 100.000 CP SSI. Công ty cổ phần Vincom (VIC) sẽ mua vào 7,9 triệu CP VIC làm CP quỹ từ ngày 1.4 - 1.7; Công ty tài chính dầu khí PVFC (người đại diện là ông Nguyễn Xuân Sơn - thành viên HĐQT Công ty nhiệt điện Phả Lại) đăng ký mua 1 triệu CP PPC từ ngày 25.3 - 30.4.

* Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có công văn gửi Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) về vấn đề công bố thông tin về các giao dịch mua CP trên thị trường chứng khoán. Theo đó, đối với các CP nằm trong danh mục được Bộ Tài chính duyệt mua nhằm hỗ trợ thị trường thì SCIC không phải công bố thông tin về cổ đông nội bộ và cổ đông lớn theo quy định tại Luật Chứng khoán và Thông tư 38/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, mà chỉ thực hiện báo cáo trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Hằng tuần, SCIC thực hiện công bố thông tin thị trường về tổng khối lượng và tổng giá trị chứng khoán đã mua lại.

* Ngày 26.3, UBCKNN đã có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an về việc phối hợp ngăn chặn, xử lý thông tin tiêu cực về TTCK. Công văn này nêu rõ: "Trong thời gian gần đây, TTCK có nhiều biến động, suy giảm liên tục đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư. Bên cạnh đó việc xuất hiện nhiều tin đồn sai sự thật, mang tính kích động gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh và ổn định của TTCK Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo về việc xử lý vấn đề này tại công văn số 319/TTg-KTTH ngày 3.3.2008 của Văn phòng Chính phủ: "Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ có liên quan đưa tin, bài chính xác, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Nhà nước trên lĩnh vực nhạy cảm này, tránh những thông tin sai sự thật, có tính kích động, gây tâm lý bất an trong xã hội" và tại công văn số 1909/VPCP-KTTH ngày 25.3.2008: "Giao Bộ Công an chủ trì kiểm tra, xử lý nghiêm các thông tin, tin đồn thất thiệt trên TTCK gây ảnh hưởng xấu đến nhà đầu tư".

* Cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có công văn gửi các ngân hàng thương mại Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam yêu cầu các ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo chưa giải chấp các hợp đồng cầm cố, repo chứng khoán.

Cùng ngày, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán tiếp tục có văn bản gửi các cơ quan có liên quan kiến nghị: SCIC cần sớm xây dựng một định chế rõ ràng về quỹ bình ổn thị trường để các nhà đầu tư yên tâm và công bố công khai trước công chúng.

(Theo ThanhNien)