Kế hoạch này sẽ khiến việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn làm cho lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết giảm, kéo theo thị giá cổ phiếu cũng giảm.

Buộc phải bán ra cổ phiếu

Chỉ trong vòng hai tháng qua, NHNN đã đưa ra liều thuốc mạnh nhằm chống lạm phát là điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu. Đồng thời, NHNN cũng tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng thương mại lên 1%, đã rút từ lưu thông về 18.900 tỷ đồng.

Thêm vào đó, NHNN còn phát hành tín phiếu bằng VND bắt buộc đối với 41 ngân hàng thương mại với tổng mệnh giá là 20.300 tỷ đồng. Tổng số tiền đã hút về lên tới hơn 39.000 tỷ đồng. Mặc dù trong khoảng thời gian này, NHNN vẫn “bơm” ra một lượng tiền lớn để duy trì tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thương mại, tuy nhiên đây chỉ là những khoản cho vay ngắn hạn và sẽ được thu hồi sớm. Những sự kiện trên đã làm cho thị trường chứng khoán chao đảo.

Việc NHNN rút tiền về ngay trong thời điểm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng có cho vay, cầm cố chứng khoán (CK) chiếm tỷ trọng cao/tổng dư nợ đang yếu, chắc chắn những NHTM này phải bán gấp những CK đang cầm cố đã đến hạn trả nợ. Do vậy, chỉ số VN-Index cũng sẽ còn giảm mạnh, kéo theo vòng luẩn quẩn là các ngân hàng đã cho vay càng nôn nóng muốn bán CK cầm cố ra thị trường để thu hồi vốn.

Lại nữa, NHNN đã thay thế Chỉ thị 03 về cho vay CK bằng Quyết định 03 chặt chẽ hơn, giới NHTM không thể dễ dàng cấp tín dụng cho vay kinh doanh CK như trước nữa. Các NHTM lại tiếp tục xả hàng làm cho nguồn cung CK tăng lên với những lệnh bán lớn trong khi cầu không tăng mà còn giảm, nên thị giá CK giảm là điều dễ hiểu.

Giá cổ phiếu sẽ giảm

Bằng hành động quyết liệt hút tiền về như trước đó, NHNN đã góp phần làm dịu “cơn đau” lạm phát của nền kinh tế. Nhưng trong khoảng thời gian ngắn, hệ thống NHTM bị uống gấp hai liều thuốc mạnh, đang còn “say” thuốc vật vã, thể hiện ở sự thiếu thanh khoản tạm thời. Điều này đã đẩy lãi suất huy động và lãi suất vay liên ngân hàng lên cao nhất trong lịch sử kinh tế VN 30%/năm.

Nghe đâu có nhà quản lý cho rằng chỉ có những NHTM lớn mà Kho bạc nhà nước gửi tiền mới bị ảnh hưởng trực tiếp, trong khi đa phần các NHTM quốc doanh có tỷ lệ cho vay cầm cố CK rất ít/tổng dư nợ nên áp lực phải bán CK là không lớn. Do đó, ảnh hưởng gián tiếp chỉ số index không đáng kể.

Thật ra theo lý thuyết trò chơi, quyết định của NHNN sẽ khiến các NHTM quốc doanh quyết định rút tiền từ những khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân về. Khoản tiền 52 ngàn tỷ đồng nói trên chắc chắn đã được không ít các doanh nghiệp cổ phần niêm yết hay chưa niêm yết vay để sử dụng vào nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Vì vậy, kế hoạch rút tiền kể trên nhất định sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp vay vốn. Do vậy, thị giá của CK chắc chắn bị tác động, chưa kể điều này gián tiếp làm cho cầu chứng khoán bị giảm vì phải dành tiền trả nợ vay ngân hàng.

(Theo PhapLuat)