Cổ phiếu ưu đãi một thời là "miếng mồi" hấp dẫn các tài năng quản lý từ các công ty nước ngoài về công ty trong nước, cũng là chiêu "độc" để giữ chân nhân viên giỏi. Nhưng giờ đây...

Ưu đãi thành... "ngược đãi"

Hơn một năm trước, L. - một nhân viên cấp cao của Ngân hàng cổ phần Quốc tế (VIBank) dồn hết tiền bạc của gia đình tích góp được, dừng cả việc mua nhà để mua một số lượng lớn cổ phiếu của ngân hàng với giá 3 lần mệnh giá (3 "chấm"). L. cũng rất mừng vì được hưởng ưu đãi của ngân hàng với lượng mua lớn. Vào thời điểm đó, giá cổ phiếu của VIBank vào khoảng 5 "chấm" trên thị trường OTC. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, khi giá của VIBank chỉ còn 1,5 - 1,6 "chấm" thì L. không còn mấy vui vẻ với cổ phiếu ưu đãi nữa.

Việc bán cổ phiếu ưu đãi của Vietcombank cũng là trường hợp tương tự. Sau kết quả đấu giá, cán bộ công nhân viên của Vietcombank được mua với giá khoảng 65.000 đồng/cổ phiếu. Thế nhưng, cho đến nay, giá cổ phiếu của Vietcombank trên thị trường chỉ còn khoảng 32.000 đồng/cổ phiếu (có thời điểm đã xuống 28.000 đồng/cổ phiếu). Một nhân viên đề nghị không nêu tên của Vietcombank cho biết: "Hầu hết các nhân viên của Vietcombank chưa được hưởng tí thành quả nào của cổ phiếu ưu đãi. Không biết rồi mình sẽ xử lý ra sao với số cổ phiếu ưu đãi này. Bán đi thì giá cổ phiếu đang mất tới hơn 50%, còn giữ lại thì càng lúc càng xót của".

Tại một công ty cổ phần trong ngành viễn thông, năm 2007, những nhân viên đã từng được mua cổ phiếu của công ty mẹ công ty này (một công ty được niêm yết trên sàn, có giá được giao dịch lúc đó khoảng 40 lần so với mệnh giá) tiếp tục được mua cổ phiếu ưu đãi của công ty (chưa được niêm yết) nhưng với mức giá lên tới 29 lần so với mệnh giá. Vào thời điểm hiện tại, khi thị trường chứng khoán tụt dốc không phanh thì cổ phiếu này thậm chí còn không xuất hiện trên sàn OTC vì không có mấy giao dịch, còn giá là bao nhiêu thì chẳng ai biết.

Ưu đãi bằng mệnh giá hoặc cho không

Tuy nhiên, không chỉ có các nhân viên được mua cổ phiếu ưu đãi mới rầu rĩ, lãnh đạo cấp cao của những công ty nhà nước được cổ phần hóa cũng bức xúc không kém. Tại Công ty cổ phần bảo hiểm dầu khí (PVI), khi thực hiện IPO, giá bán cho các cán bộ nhân viên kể cả lãnh đạo là khoảng 100.000 đồng/cổ phiếu, nhưng giờ đây giá PVI trên sàn chỉ còn 28.200 đồng/cổ phiếu. Một lãnh đạo của PVI thuộc diện bán cổ phiếu phải công bố thông tin cho biết: "Thực ra khi giá còn cao, anh em nhân viên bán ra hầu hết và thu được tiền về. Lúc đó, mình cũng muốn bán nhưng là lãnh đạo mà bán thì phải công bố, rồi còn người ta nhìn vào. Những người thân của mình cũng phải làm gương theo và phải "nhịn" bán. Nhưng rồi thời cơ bán qua đi, giá cổ phiếu tụt thê thảm. Đến bây giờ thì chán không còn muốn bán nữa".

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, sau một thời gian bán cổ phiếu ưu đãi với giá gấp vài lần so với mệnh giá cho cán bộ công nhân viên để giữ chân họ, sự sụt giảm thê thảm của thị trường chứng khoán đã khiến nhiều công ty thay đổi kế hoạch. Trong các đợt phát hành ưu đãi mới, hầu hết công ty đều bán với giá bằng mệnh giá cho nhân viên, thậm chí có công ty còn lên kế hoạch tặng cổ phiếu cho nhân viên của mình. Nhưng với tình hình của thị trường chứng khoán hiện nay, cổ phiếu không còn là một "chiêu độc" hút và giữ chân nhân viên giỏi như trước.

(Theo ThanhNien)