Các CTCK đang thâm nhập mạnh mẽ, nhằm khai phá thị trường chứng khoán "phố núi" nhiều tiềm năng nhưng còn bỏ ngỏ.

Ngày 22/4, với sự ra đời Đại lý nhận lệnh chứng khoán thứ 4 tại TP. Đà Lạt của CTCK Châu Á Thái Bình Dương (APEC), sau 3 đại lý nhận lệnh của các CTCK khác tại Lâm Đồng, đánh dấu sự thâm nhập mạnh mẽ của TTCK tại phố núi. Những đại lý này được coi là tiên phong “lên non” khai phá thị trường nhiều tiềm năng nhưng còn bỏ ngỏ…

Nông dân chơi chứng khoán

Dẫu không nằm ngoài quy luật của thị trường, nhưng khác với Sài Gòn, Hà Nội, các sàn giao dịch chứng khoán ở phố núi Đà Lạt luôn được NĐT - là những nông dân thứ thiệt - đặc biệt quan tâm. Những ngày đầu tháng 4, trong khi TTCK cả nước vẫn còn ảm đạm, chỉ số VN-Index tiếp tục “điệu hát buồn” thì tại các đại lý nhận lệnh ở TP. Đà Lạt, rất đông NĐT vẫn ung dung lướt sàn và tiếp tục mở tài khoản.

Ông Hoàng Văn Hiệp, một nông dân đặc sệt, ngụ tại Trung Hòa, Di Linh (Lâm Đồng) thổ lộ: “Trong khi giá đất, giá bất động sản đang cao ngất ngưỡng và không ổn định thì việc đầu tư vào cổ phiếu hấp dẫn hơn nhiều.

Hơn nữa, TTCK còn hấp dẫn hơn bởi sự mới mẻ của nó”. Ông Hiệp cũng cho biết, sẽ đầu tư lớn khi tích luỹ được vốn kiến thức kha khá về thị trường.

Có cùng nhận định với ông Hiệp, ông Tô Hồng Sen, một NĐT chứng khoán tại Đà Lạt cho rằng: “Đầu tư vào chứng khoán là một hình thức tiết kiệm mới lạ và rất đáng tham gia”. Nhiều NĐT là nông dân ở “vương quốc cà phê” (Di Linh) cũng cho rằng, TTCK luôn cuốn hút và đã chơi thì không thể dứt ra được.

Triển vọng chứng khoán cao nguyên

Đến nay, trên địa bàn TP. Đà Lạt đã có 4 đại lý nhận lệnh chứng khoán được đăng ký (3 đại lý đã giao dịch). Sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động đã có trên 570 NĐT đăng ký mở tài khoản giao dịch, với doanh số giao dịch 112 tỷ đồng.

Bà Phùng Thị Kim Hiền, phụ trách Đại lý nhận lệnh chứng khoán của Chi nhánh Ngân hàng Công thương Lâm Đồng cho biết: “Hai cổ phiếu được NĐT ở phố núi quan tâm đầu tư nhiều nhất là cổ phiếu của CTCP Vật liệu Xây dựng và CTCP Thực phẩm Lâm Đồng. Có lẽ do là doanh nghiệp tỉnh nhà nên khi cổ phiếu của các đơn vị này niêm yết trên TTCK thì số lượng NĐT lên sàn đã tăng đột biến”.

Ông Trần Anh Chí, Trưởng đại diện Đại lý nhận lệnh chứng khoán của APEC tại Đà Lạt cho biết: “Theo khảo sát, đánh giá của APEC thì Đà Lạt - Lâm Đồng là một thị trường đầy tiềm năng, NĐT đông nhưng khả năng tiếp cận TTCK còn rất thấp. Cụ thể, trong vài năm trở lại đây, cà phê luôn được mùa và được giá, nhiều nông hộ ở Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng và Đà Lạt đã có của ăn, của để nên nhiều nông dân đã chọn chứng khoán để đầu tư”.

Điều thú vị là, có nhiều nhà đầu tư ở Lâm Đồng trước đây có tài khoản giao dịch tại TP. HCM nay cũng đã chuyển hẳn về Đà Lạt để giao dịch, kéo theo rất nhiều NĐT ở các huyện, thị, thành của địa phương cùng tham gia. Do TTCK còn khá mới mẻ đối với NĐT ở phố núi nên họ chỉ đầu tư cầm chừng, đầu tư theo kiểu thăm dò thị trường là chính.

Tuy nhiên, khi TTCK hoạt động ổn định và người nông dân quen hơn với chứng khoán thì các sàn giao dịch ở Đà Lạt nhất định sẽ rất sôi động.

Theo thống kê sơ bộ, trong một thời gian rất ngắn đã có gần 600 NĐT, trong đó có những người có tài khoản từ khoảng vài trăm triệu đồng đến 7 tỷ đồng tại Đà Lạt gia nhập TTCK.

Tiềm năng của Đà Lạt - Lâm Đồng là rất lớn, nhất là khi nhiều nông dân đã có vốn nhàn rỗi đang tìm hướng đầu tư và sắp tới sẽ có thêm một số doanh nghiệp của địa phương này lên sàn chứng khoán.

Do phần lớn NĐT ở Đà Lạt, Lâm Đồng còn thiếu hiểu biết về TTCK nên việc hướng dẫn, phổ biến kiến thức cho NĐT đang là dư địa cho các CTCK tác nghiệp để tìm kiếm sức cầu từ những người dân giàu có trên đất cao nguyên này.

(Theo DTCK)