Những nội dung quan trọng đã được thảo luận tại cuộc “họp kín” vào cuối tuần trước với hy vọng, thị trường sẽ có những phản ứng tích cực sau kỳ nghỉ lễ.

Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định 745 về Chương trình hành động thực hiện mục tiêu ổn định TTCK, kiềm chế lạm phát năm 2008.

“Thanh lọc” hàng hóa

“Tranh thủ” sức hút của TTCK, doanh nghiệp ồ ạt phát hành cổ phiếu làm cung-cầu mất cân bằng nghiêm trọng là một trong những nguyên nhân khiến cho thị trường điều chỉnh giảm và liên tục đi xuống sau 2 đợt “thăng hoa” vào tháng 3 và tháng 9-2007.

Do vậy, một trong những giải pháp được các thành viên tham gia thị trường quan tâm là quản lý công tác phát hành, chào bán chứng khoán đã được Bộ Tài chính đặt làm trọng tâm trong tháng 5 này.

Theo đó, trong tháng 5, UBCKNN sẽ phải báo cáo Bộ để sửa đổi những quy định liên quan theo hướng nâng cao tiêu chuẩn đối với hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán của doanh nghiệp.

Cùng với đó, công tác kiểm soát sẽ phải thực hiện chặt chẽ hơn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm trong hoạt động chào bán-xảy ra với tần suất khá cao trong thời gian qua.

Cũng trong tháng 5 này, có khả năng “room” - tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được nâng lên. Đây cũng là giải pháp được nhiều nhà đầu tư chờ đợi với nhiều thông tin “hành lang” xung quanh câu chuyện này trước đó.

Tuy nhiên, mức độ “nới” sao cho góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường, đồng thời đảm bảo quản lý hiệu quả nguồn vốn gián tiếp cần phải xem xét một cách thận trọng.

Do vậy, nhiệm vụ này đã được giao cho Cục Tài chính Doanh nghiệp và UBCKNN - 2 đơn vị đầu mối xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung nội dung về quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có quy định về tỷ lệ sở hữu của khối này đối với doanh nghiệp niêm yết.

Sẽ có đề án phòng ngừa rủi ro

Một điểm nhấn trong Chương trình hành động lần này, đó là bên cạnh những biện pháp mang tính tức thời, Bộ Tài chính đặc biệt chú trọng đến những giải pháp dài hạn, đồng thời mổ xẻ “cái gốc” của vấn đề.

Về dài hạn, là phải xây dựng đề án giải pháp, phòng ngừa rủi ro và xử lý khủng hoảng trên TTCK. Cũng có ý kiến cho rằng, đề cập đến vấn đề “khủng hoảng trên TTCK” thời điểm này có thể tác động ít nhiều đến tâm lý nhà đầu tư.

Tuy nhiên, quan điểm thuyết phục hơn là cần có sẵn các gói giải pháp cho cả khi tình huống “xấu” nhất xảy ra là cần thiết, giúp cơ quan quản lý và tất cả các thành viên tham gia thị trường có hành động phù hợp, tránh sự đổ vỡ nặng nề hơn.

Cùng với đó, là dần thu hẹp thị trường tự do (OTC) nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư; Cấp phép thành lập Công ty Chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ; đổi mới cơ chế quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác; kiểm tra, giám sát chặt chẽ và đánh giá hiệu quả hoạt động tài chính của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty và doanh nghiệp Nhà nước để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những hạn chế còn tồn tại…

Liên quan đến CTCK và Công ty quản lý quỹ, mới đây, UBCKNN vừa phát đi thông báo, sẽ tạm dừng cấp phép thành lập mới và hoạt động cho đối tượng này. Trong bối cảnh các CTCK, công ty quản lý quỹ “trăm hoa đua nở”, trong đó có những đơn vị còn thiếu và yếu nhiều mặt, gây khó khăn cho công tác quản lý thì việc “chốt” tạm danh sách 87 đơn vị là cần thiết.

Hay liên quan đến việc đầu tư tràn lan của các tập đoàn, tổng công ty, Bộ Tài chính cũng vừa công bố công khai nhiều tên tuổi với những con số khá cụ thể. Đây cũng là cảnh báo cần thiết và cần tiếp tục mạnh tay “siết” lại thời gian tới nhằm phòng ngừa rủi ro dây chuyền...

Bên cạnh đó, “gốc” của vấn đề là sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát đã được cuộc họp thảo luận và đưa gói giải pháp trong Chương trình hành động lần này.

Cụ thể, Bộ Tài chính yêu cầu tiết kiệm 10% chi thường xuyên đối với các Bộ, cơ quan Trung ương và ngân sách địa phương; tổng hợp kết quả và danh mục các dự án cắt giảm, đình hoãn hoặc giãn tiến độ; tổ chức thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia, đảm bảo lực lượng dự trữ ứng phó với những tình huống khó khăn xảy ra…

(Theo ANTD)