Rõ ràng gửi ngân hàng với lãi suất cao đang là một kênh đầu tư an toàn hơn chứng khoán.

Ngày 19/5, một loạt ngân hàng thương mại đã nâng mức lãi suất huy động lên trên dưới 15%, sau khi quyết định nâng lãi suất cơ bản lên 12% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực. Động thái này khiến nhiều người lo ngại về việc thiếu đi sức cầu, TTCK có thể điều chỉnh giảm sâu hơn.

Tác động trong dài hạn

Từ đầu tuần này, NĐT tại một số CTCK đã rút tiền để chuyển sang gửi ngân hàng nhằm hưởng lãi suất cao. “Suốt tháng qua, tôi vẫn “án binh bất động” để tiền trong tài khoản, đợi thị trường có dấu hiệu đi lên sẽ mua vào.

Trong lúc này, rút tiền ra gửi ngân hàng cũng chỉ là chiến thuật trong ngắn hạn, vì nhiều ngân hàng đưa ra các sản phẩm lãi suất linh hoạt, hấp dẫn. Khi cần thiết, vẫn có thể rút ra để quay lại với chứng khoán”, NĐT tên Hoàng tại CTCK VNDirect nói.

Tại Phòng giao dịch Trung Hòa - Nhân Chính của VPBS, một số NĐT cũng rút tiền nhưng không chỉ gửi ngân hàng, mà còn chuyển sang đầu tư vàng.

Ông Dũng, một NĐT nói, việc tăng lãi suất chỉ giúp ổn định hệ thống ngân hàng thương mại, đảm bảo tính thanh khoản cho thị trường này. Nhưng trong ngắn hạn, rõ ràng có tác động đến TTCK bởi dẫu sao, gửi ngân hàng với lãi suất cao cũng là một kênh đầu tư an toàn.

Chính sách lãi suất của NHNN cũng gây sự chú ý của các CTCK. Trong bản tin đặc biệt, CTCK Sài Gòn (SSI) cho rằng, đây là chính sách tích cực, bởi sau một thời gian dài, NHNN đã quyết định điều hành lãi suất dựa trên cung cầu thực tế thị trường và được hướng dẫn bởi lãi suất cơ bản.

Theo SSI, tác dụng lớn nhất của chính sách này nhằm giải quyết tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay. Chênh lệch giữa lãi suất huy động và tỷ lệ lạm phát đã giảm đáng kể, kéo theo việc hút tiền gửi vào hệ thống ngân hàng sẽ dễ dàng hơn.

Chính sách này cũng giúp các ngân hàng quay lại việc linh động đưa ra mức lãi suất khác nhau cho những kỳ hạn như đã từng thực hiện trước đây. Lãi suất tăng cũng làm giảm lạm phát và làm tăng nhu cầu tiền đồng, giảm áp lực tỷ giá VND/USD hiện bị kéo căng do thâm hụt thương mại.

Cũng nhìn nhận một cách tích cực, các chuyên gia phân tích của CTCK VNDirect cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất sẽ tăng tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và đưa hệ thống tài chính ổn định trở lại, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn vay tốt hơn với mức lãi suất hợp lý.

Lạm phát sẽ giảm khi lượng tiền mặt trong dân cư được hút vào ngân hàng. Khi lạm phát có dấu hiệu giảm và tính thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện, lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm.

Những dấu hiệu này khẳng định sự ổn định trở lại của thị trường tài chính, kinh tế vĩ mô và nó cũng sẽ có tác động đến tâm lý NĐT trên TTCK.

Chứng khoán xuống không chỉ do lãi suất

Việc thị trường điều chỉnh trong suốt thời gian vừa qua là do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lãi suất cũng có những tác động nhất định đến TTCK.

Ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc CTCK Sài Gòn - Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất không ảnh hưởng trực tiếp đến TTCK. Lãi suất cao sẽ hút tiền từ lưu thông về, giảm áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, lãi suất cho vay lại bị khống chế (không quá 18%/năm) nên việc tiếp cận nguồn vốn của DN vẫn khó khăn. Việc phát triển sản xuất, kinh doanh của DN bị ảnh hưởng thì giá cổ phiếu vẫn khó có thể đi lên.

Cũng nhìn nhận mặt hạn chế của chính sách lãi suất mới, các chuyên gia phân tích của SSI chỉ ra rằng, mức lãi suất mới kéo theo tỷ lệ sinh lời kỳ vọng của NĐT trên thị trường cổ phiếu tăng lên.

Điều này gây bất lợi cho TTCK đang trong đà đi xuống, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng EPS chung của cả thị trường trong năm nay được dự báo dưới 5%.

“Không chỉ lãi suất ngân hàng, vàng cũng là kênh hút vốn lớn. Một trong nhiều nguyên nhân khiến thị trường này sôi động là NĐT được mua bán khống đến 93% giá trị giao dịch.

Vì thế, để mở rộng môi trường kinh doanh cổ phiếu tương đối hạn hẹp như hiện nay, cần cho NĐT mua - bán khống chứng khoán. Để đảm bảo an toàn cho thị trường này, có thể nâng cao tỷ lệ ký quỹ hơn tỷ lệ mà các sàn vàng đang áp dụng hiện nay”, một NĐT tại sàn VCBS “hiến kế”.

(Theo DTCK)