NĐT tiếp tục có cảm giác thị trường bị làm giá, khi nhiều phiên có hàng chục mã được giao dịch vỏn vẹn 1 lô cổ phiếu ở giá sàn.

Vụ “Đại gia thao túng giá chứng khoán” vừa được kết luận với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với đại gia (ông Trương Đình Khởi, chủ tài khoản số 006C002819 mở tại CTCK ACB), mức phạt 100 triệu đồng.

Trước đó, vụ việc dự kiến được điều tra và xử lý ở cấp độ nghiêm trọng hơn, song bản thân NĐT đã thành khẩn nhận lỗi và trong trường hợp này, NĐT thao túng giá nhưng vẫn bị lỗ nên vụ việc dừng ở xử phạt hành chính.

Đáng nói là trong thời điểm giá xuống như hiện nay, NĐT tiếp tục có cảm giác thị trường bị làm giá, khi nhiều phiên có hàng chục mã được giao dịch vỏn vẹn 1 lô cổ phiếu ở giá sàn.

Về vụ việc trên, Thanh tra UBCK kết luận: trong thời gian từ ngày 28/1/2008 đến ngày 22/2/2008, ông Khởi đã liên tục đặt lệnh mua, bán cổ phiếu Sacombank (STB) với tần suất và khối lượng lớn, chiếm tỷ trọng lớn trên khối lượng giao dịch toàn thị trường.

Trong đó, từ ngày 20/2/2008 đến ngày 22/2/2008, ông Khởi đã liên tiếp đặt bán cổ phiếu STB với tổng khối lượng là 1.252.100 cổ phiếu, chiếm tỷ trọng 13,32% khối lượng đặt bán trên toàn thị trường, tần suất đặt lệnh bán là 107 lượt, với mức giá giảm dần từ 56.000 đồng/cổ phiếu xuống 51.000 đồng/cổ phiếu để chuyển từ giao dịch lô lớn, theo phương thức thỏa thuận sang phương thức giao dịch khớp lệnh trên Sở GDCK TP. HCM.

Các giao dịch này đã tạo ra mức giá mở cửa và đóng cửa mới cho cổ phiếu STB trên thị trường, gây biến động giá của cổ phiếu STB và chỉ số VN-Index.

Theo quy định tại mục II Thông tư số 97/2007/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 36/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, hành vi của ông Khởi là hành vi giao dịch thao túng TTCK.

Ông Hoàng Đức Long, Chánh thanh tra UBCK cho biết, mức phạt 100 triệu đồng không lớn, song trong bối cảnh thị trường suy giảm mạnh, NĐT cũng khó khăn và đặc biệt, trong vụ thao túng giá trên, ông Khởi bị lỗ.

Trước việc NĐT thành khẩn nhận lỗi và xin được nộp mức phạt hành chính cao nhất, UBCK đã cân nhắc và quyết định dừng ở việc phạt vi phạm hành chính.

TTCK đã trải qua gần một tháng sụt giảm, gần đây công chúng đầu tư có thắc mắc trước việc có phiên giao dịch, hàng chục mã chứng khoán được đặt mua đúng 1 lô cổ phiếu/mã ở giá sàn để tạo giá mở cửa thấp cho phiên hôm sau, khiến người theo dõi bảng điện tử có cảm giác cổ phiếu bị làm giá xuống hoặc thông tin một số CTCK bắt tay với NĐT để tạo ra bull-trap (bẫy tăng giá) để trục lợi(?).

Đề cập đến vấn đề này, ông Long cho rằng, dù rất muốn làm rõ những hành vi mà thị trường phản ánh, song nhân lực thanh tra của UBCK không cho phép dàn quân trên mọi mặt trận.

Đơn cử như vụ điều tra NĐT Khởi thao túng giá cổ phiếu STB nói trên, bản thân ông Long và một chuyên viên dạn dày kinh nghiệm của Ban thanh tra phối hợp với một chuyên viên của HOSE mất tới 4 tuần thực địa, trực tiếp thực hiện.

Cùng đợt điều tra vụ việc của ông Khởi, còn một số tài khoản nữa cũng ở trong diện nghi vấn nhưng thanh tra UBCK chưa thể tiến hành điều tra.

Vấn đề đặt ra là, khi nhân lực của thanh tra UBCK quá mỏng, áp lực công việc lớn thì vai trò của Sở/Trung tâm GDCK, cơ quan trực tiếp giám sát các hành vi bất thường trên thị trường ở đâu?

Với trường hợp hàng loạt mã cổ phiếu liên tục giảm giá sàn 14 - 15 phiên và nhiều dấu hiệu cho thấy cổ phiếu đó có tình trạng bị làm giá xuống thấp, nên chăng các đơn vị này cần tiến hành sàng lọc, xem xét và đưa ra cảnh báo trước với những chủ tài khoản có dấu hiệu vi phạm.

Liệu việc để NĐT thao túng giá có một phần trách nhiệm buông lỏng quản lý giao dịch của Sở/Trung tâm GDCK?

Liên quan đến vấn đề này, NĐT cũng đặt câu hỏi, bên cạnh thanh tra chứng khoán thì vai trò của Ban giám sát (mới được thành lập) đến đâu?

Một trong những nhiệm vụ của ban này là soạn thảo quy chế giám sát, hiện chưa biết bao giờ quy chế này được ban hành để những hành vi có dấu hiệu bất thường trên thị trường có thể được sàng lọc và cảnh báo.

Đầu tư trên thị trường giá xuống là một chiến lược và không loại trừ thị trường sụt giảm vẫn có những NĐT kiếm được tiền, bên cạnh nhiều NĐT thua lỗ nặng nề; tuy nhiên, những thủ đoạn thao túng giá nhằm mục đích trục lợi rất cần được làm sáng tỏ và công bố rộng rãi. Ít ra cộng đồng NĐT cũng được an ủi và có cảm giác họ được bảo vệ và thị trường đang vận hành một cách công bằng.

Theo quy định mới tại Pháp lệnh sửa đổi về xử phạt vi phạm hành chính, có hiệu lực từ 1/8/2008 tới đây, mức phạt cao nhất lên tới 500 triệu đồng trong lĩnh vực chứng khoán cũng phần nào tăng tính nghiêm minh của pháp luật.

(Theo DTCK)