Để đánh giá được giá trị của chứng khoán cần phải đánh giá được giá trị của DN đã phát hành ra chứng khoán đó.

Kinh doanh chứng khoán cũng như người đi mua tàu thuyền. Chỉ khi gặp bão trên biển, tàu thuyền đổ về bến, người mua mới có điều kiện kiểm chứng tàu nào tốt, tàu nào xấu, tàu nào đi gần, tàu nào đi xa với tốc độ bao nhiêu.

Nền kinh tế gặp khó khăn, TTCK sụt giảm cũng là lúc DN lộ rõ mình như thế nào, sức chống đỡ ra sao. Thông tin từ báo cáo tài chính (BCTC), bản cáo bạch… chính là những thông số biểu hiện “sức khoẻ” DN. Vấn đề là NĐT cần quan tâm đến thông tin gì từ các BCTC đó để có thể ra quyết định đầu tư an toàn, hiệu quả?

Cần loại yếu tố ảo trong con số lợi nhuận

Ông Lưu Trung Dũng, chuyên gia đầu tư chứng khoán, sáng lập viên Công ty Đào tạo Đầu tư DoBF cho biết, khi đọc BCTC thì điều NĐT quan tâm đầu tiên là DN đó làm ăn có hiệu quả không? Tương lai của DN sẽ ra sao? Do đó, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất cần nghiên cứu.

Thông thường, ROE cần lớn hơn hoặc bằng 1,5 lần lãi suất tiền gửi. Thời điểm hiện tại, DN làm ăn hiệu quả cần có ROE từ 20% trở lên. Ngoài ra, nếu ROE cao hơn năm trước thì đây là chỉ báo cho thấy, nguồn vốn đang được sử dụng hiệu quả và DN đang có xu hướng phát triển tốt.

Điều đáng lưu ý là phải xét lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân. Chẳng hạn, DN có lợi nhuận 200 tỷ đồng. Nếu vào tháng 6, DN đó tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, thì phải tính 200 tỷ đồng lợi nhuận đó được làm ra trên cơ sở sử dụng nguồn vốn trung bình là 1.500 tỷ đồng, chứ không phải là 1.000 tỷ đồng hay 2.000 tỷ đồng.

Một vấn đề nữa, NĐT cần quan tâm, theo ông Dũng, là tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng của vốn. Lý tưởng nhất là hai tốc độ tăng trưởng này bằng nhau. Còn nếu không thì khoảng cách giữa hai tốc độ tăng trưởng trên không được quá xa nhau. Chẳng hạn, vốn tăng gấp đôi thì lợi nhuận cần tăng ít nhất gấp 1,5 lần.

Ngoài ra, doanh thu cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng để xem xét “sức khoẻ” DN. Tại thời điểm hiện nay, DN tốt cần có tốc độ tăng trưởng doanh thu từ 10% trở lên so với năm trước.

Theo ông Dũng, một vấn đề mà NĐT cũng cần đặc biệt lưu ý là dòng tiền ròng DN thu được trong năm. Trường hợp DN không có những khoản đầu tư, mở rộng hoạt động đáng kể thì dòng tiền ròng cần phải lớn hơn lợi nhuận công ty báo cáo. Nên thận trọng với DN có các khoản nợ chưa thu hay hàng tồn kho lớn.

Tuy những khoản này vẫn được hạch toán vào doanh thu và lợi nhuận, nhưng khoản “lợi nhuận” này chứa đựng rủi ro và đôi khi khó hiện thực hóa thành tiền thật (nợ có thể không thu được, hàng tồn không bán được).

DN tăng vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu, không đáng lo!

Theo ông Phạm Kinh Luân, chuyên gia phân tích của CTCK Vàng, chứng khoán là một loại tài sản vô hình được đảm bảo bởi giá trị của một thực thể hiện hữu (DN, tài sản, dự án…).

Do đó, để đánh giá được giá trị của chứng khoán (như cổ phiếu của một DN), cần phải đánh giá được giá trị của DN đã phát hành ra chứng khoán đó.

Muốn lựa chọn được cách tiếp cận và phương pháp đánh giá phù hợp thì đương nhiên phải hiểu về DN được đánh giá. Bản cáo bạch và các BCTC (bảng cân đối, báo cáo lãi lỗ, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và bản thuyết minh) cần được xem xét cẩn thận.

Việc DN phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn theo ông Luân, không có gì đáng lo ngại vì công ty muốn tăng trưởng đương nhiên phải đầu tư và không đầu tư thì đương nhiên sẽ không có tăng trưởng.

Vấn đề đặt ra là người đầu tư cần phân định được, liệu cơ hội đầu tư đó có tốt hay không đối với DN (xét cả về ngắn hạn lẫn dài hạn)? Một vấn đề không kém phần quan trọng là liệu DN có khả năng hấp thụ và tiêu hoá được cơ hội đầu tư đó không?

Nói về việc cần lưu ý điểm gì khi đọc BCTC của DN, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Phó tổng giám đốc Công ty PriceWaterhouseCooper (PWC) Việt Nam cho rằng, phải nhìn vào tổng tài sản của công ty đó như thế nào? Công nợ ra làm sao?

Mỗi công ty có đặc thù khác nhau, mỗi ngành lại yêu cầu tài sản khác nhau, nhưng cần xem tài sản đó hình thành từ vốn pháp định hay từ vốn vay. NĐT phải hiểu DN đó hoạt động trong lĩnh vực gì, phát triển trên thị trường ra sao.

Một điểm nữa là bản cáo bạch thường đưa thông tin từ 2 - 3 năm trước, do đó NĐT cần dự báo được biến động trong thời gian tới đối với DN là như thế nào (tích cực hay tiêu cực), xu hướng phát triển của DN định đầu tư so với các DN khác ra sao, mới có thể đánh giá được “sức khoẻ” của DN.

(Theo DTCK)