Trước sự sụt giảm của TTCK hơn 10 ngày qua, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra biện pháp cụ thể nào.

Hơn một năm, chỉ số VN-Index đã tụt từ mức 1.170 điểm, xuống 434,75 điểm (ngày 22-5); chỉ số HASTC - Index còn 130,35 điểm.

Giá của nhiều loại cổ phiếu (CP) niêm yết và trên thị trường tự do (OTC) đã giảm 2/3, nhiều loại xuống dưới mức giá sàn... Trước sự tụt dốc mạnh của thị trường, rất cần sớm có giải pháp ứng cứu.

Tại sao nhà đầu tư nước ngoài vẫn bình thản ?

Lo lắng, bi quan là tâm trạng của nhiều nhà đầu tư trong thời điểm này với những bộ mặt ngơ ngác bởi thị trường chứng khoán (TTCK) “tụt dốc không phanh”.

Thị trường sụt giảm mạnh đã khiến nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ, lỗ vốn 50%, thậm chí 70-80% khi giá các loại CP liên tục “rớt”.

Ngay cả những người đầu tư vào các mã CP chủ chốt như ACB, BVS, DPM, FPT, SSI, STB... cũng bị lỗ. Mặc dù giá của hầu hết CP niêm yết đều đang ở mức hấp dẫn, có những loại còn thấp hơn giá trị thực, nhiều nhà đầu tư vẫn ào ào bán ra...

Các loại CP trên thị trường OTC cũng giảm thảm hại. Nếu đầu năm 2007, CP của các ngân hàng thương mại cổ phần và ngoài quốc doanh... được giới đầu tư săn lùng, thì nay lại tranh nhau bán ra. CP của nhiều ngành khác cũng rơi chưa có điểm dừng.

Mặc dù bị đẩy xuống giá thấp, nhưng các loại CP này vẫn hầu như không có giao dịch, đẩy thị trường OTC vào tình trạng đóng băng. Các chuyên gia nhận định, lúc này, việc thị trường OTC ít có giao dịch cũng là điều không bất ngờ.

Một lý do quan trọng khiến thị trường OTC đóng băng là do nhà đầu tư không còn mặn mà với TTCK, họ rút vốn, chuyển hướng đầu tư sang các lĩnh vực khác như vàng, bất động sản.

Một thực tế đầy nghịch lý là trong khi nhiều nhà đầu tư trong nước bi quan về thị trường, thi nhau “bán tháo” CP, thì các nhà đầu tư nước ngoài vẫn bình chân như vại.

Trong hầu hết phiên giao dịch, họ tiếp tục mua vào một lượng lớn CP và bán ra ít. Không chỉ tin tưởng vào sự phục hồi và tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong tương lai nhiều tổ chức tài chính nước ngoài tiếp tục đưa ra những nhận định khả quan về TTCK Việt Nam.

Giải pháp ứng cứu

Khi thị trường sụt giảm, chỉ số VN-Index xuống dưới ngưỡng 500 điểm (496,64 điểm vào ngày 25-3), cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp “cứu” thị trường như thu hẹp biên độ dao động giá CP, giao TCty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mua vào một số loại CP niêm yết; yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần chưa giải chấp các hợp đồng cầm cố chứng khoán; cho phép DN mua lại CP của chính DN mình...

Thực tế, những giải pháp đó đã ít nhiều mang lại hiệu quả tích cực. Thế nhưng trước sự sụt giảm của thị trường hơn 10 ngày qua cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra biện pháp cụ thể nào.

Được biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đề xuất lên Chính phủ các biện pháp “cứu” thị trường như giãn bớt việc thắt chặt tín dụng với TTCK và bất động sản; hạn chế việc giải chấp chứng khoán; cho phép các ngân hàng nước ngoài được mua CP của các ngân hàng niêm yết đến 5%.

Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ sửa đổi tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài theo hướng họ được tham gia tối đa 49% đối với Cty niêm yết; 40% đối với Cty đại chúng chưa niêm yết...

Để TTCK hồi phục trở lại, theo các chuyên gia, Chính phủ cần phát hành trái phiếu dài hạn, nhưng lãi suất nên thay đổi theo từng thời kỳ cho phù hợp với tình hình thực tế.

Việc tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của các DN cần để cho thị trường quyết định. Khuyến khích các Cty chứng khoán mở tài khoản tiền gửi lưu ký kinh doanh tại các ngân hàng thương mại...

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), UBCKNN nên áp dụng ngay biên độ giao dịch lệch, thống nhất trên cả 2 sàn chứng khoán là -1%, +3% (biên độ giá tăng là 3%, giảm là 1%).

Bởi hầu hết giá của các CP hiện nay thấp hơn nhiều so với giá trị thực cũng như giá các tổ chức đã tính toán mua vào. Ngoài ra, VAFI còn kiến nghị cơ quan chức năng cho phép các ngân hàng thương mại cổ phần được bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ không quá 5% vốn điều lệ theo cơ chế của ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện cổ phần hóa, thực hiện chế độ đăng ký và báo cáo thay vì phải xin phép.

VAFI cũng kêu gọi các Cty niêm yết, Cty đại chúng mua vào cổ phiếu quỹ, với tỷ lệ vốn bằng khoảng 5% mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần có niềm tin, tránh bán tháo CP để không đẩy thị trường sụt giảm sâu hơn.

* Ông Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:

Về mặt lý thuyết, khi các ngân hàng tăng lãi suất huy động cao, sẽ thu hút các nhà đầu tư gửi tiền vào ngân hàng và phần nào ảnh hưởng đến TTCK. Hiện nay, TTCK đang ở trong giai đoạn chịu nhiều tác động, bởi chính sách ưu tiên hàng đầu của nước ta là kiềm chế lạm phát. Để hạn chế sự suy giảm của TTCK khi lãi suất tiền gửi tăng cao, có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ khác như hỗ trợ về thuế, cải cách thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn.

Đầu tư chứng khoán ở nước ta vẫn đang mang tính chất phong trào, để giảm bớt thua thiệt cho nhà đầu tư, cơ quan chức năng đưa ra biện pháp hành chính như thu hẹp biên độ dao động giá CP là cần thiết, bởi nếu thị trường biến động quá lớn sẽ gây ra tác động không tốt. Tuy nhiên, đây không phải biện pháp gốc; cơ bản vẫn phải là ổn định và phát triển nền kinh tế.

(Theo HanoiMoi)