Khoảng hơn một tháng nay, thị trường OTC đang phần nào lấy lại được sinh khí.

Đã từng có thời điểm thị trường OTC rất sôi động và đầy hưng phấn. Tuy nhiên, khi thị trường niêm yết sụt giảm kéo dài đã kéo theo thị trường OTC rơi vào chuỗi ngày u ám.

Đã một thời gian dài, nhắc đến thị trường OTC, các NĐT chỉ biết lắc đầu ngao ngán vì thị trường này liên tục “đóng băng”.

Tuy nhiên, khoảng hơn một tháng nay, thị trường OTC đang phần nào lấy lại được sinh khí. Tình hình giao dịch trên thị trường OTC đã được cải thiện và một số cổ phiếu (CP) có dấu hiệu tăng giá.

Khối lượng mua bán CP OTC tăng lên so với trước. Nhiều NĐT đã thu được lợi nhuận nhờ thói quen “lướt sóng”.

Đặc biệt, một thông tin tích cực vừa đến với các NĐT chứng khoán, đó là: Đề án thành lập TTCK OTC (thị trường đăng ký giao dịch) của TTGDCK Hà Nội (HASTC) đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính thức thông qua và đang được Bộ Tài chính xin ý kiến của Chính phủ. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dự kiến trong tháng 6-2008 sẽ chính thức đưa một số loại cổ phiếu OTC lên niêm yết tại thị trường này.

Thị trường OTC thường có nhiều rủi ro hơn cho các NĐT do tính thanh khoản kém, mức độ minh bạch thông tin thấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường niêm yết chưa ổn định và đang áp dụng giới hạn biên độ giao dịch, thì việc không có biên độ giao dịch đã trở thành lợi thế giúp thị trường OTC trở nên hấp dẫn hơn thị trường niêm yết.

Những lợi thế của thị trường OTC được nhiều NĐT quan tâm nhất lúc này là: Biên độ không bị giới hạn, việc mua bán có thể trao tay ngay trong ngày. NĐT thay vì phải chờ đợi cả ngày giá mới lên được 1% hoặc 2% như trên sàn niêm yết, lại vừa mất phí giao dịch, mất thời gian chờ thanh toán thì giao dịch trên thị trường OTC chỉ cần thỏa thuận và giá có thể chênh lệch rất nhiều lần ngay trong ngày.

Bên cạnh đó, sau chuỗi ngày dài giảm giá, giá CP của không ít ngân hàng, công ty trên thị trường OTC đang ở mức hấp dẫn, thậm chí giá một số CP hiện còn thấp hơn giá trị tài sản thực tế tính trên mỗi CP. Đây là cơ hội tốt để cho NĐT có chiến lược dài hạn xem xét mua vào.

Đặc biệt, các NĐT đang rất kỳ vọng vào Đề án thành lập TTCK OTC do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước soạn thảo. Theo đó, thị trường này sẽ áp dụng phương thức giao dịch thỏa thuận với biên độ + 20% trong khoảng thời gian từ 10h-12h và từ 13h-15h tất cả các ngày làm việc.

Theo kế hoạch, trong đợt đầu tiên sẽ có khoảng 40 cổ phiếu của các công ty thuộc ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được đưa lên giao dịch. Tiêu chuẩn niêm yết tại thị trường này cũng không quá khắt khe.

Các doanh nghiệp tham gia đăng ký giao dịch trong đợt này chỉ cần đáp ứng về tiêu chuẩn quản lý cổ đông tốt, nắm được tình hình cổ đông, cổ phiếu phải được đưa vào Trung tâm lưu ký để sẵn sàng đưa vào hệ thống hoạt động giao dịch.

Tuy nhiên, có một điểm khác biệt so với các công ty niêm yết là, các doanh nghiệp ở thị trường đăng ký giao dịch không cần gửi báo cáo tài chính mà chỉ cần gửi báo cáo tài chính năm được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập.

Các chuyên gia chứng khoán nhận định: Việc cho ra đời sàn giao dịch OTC sẽ làm NĐT tự tin hơn giao dịch và chắc chắn việc mua bán cũng sẽ sôi động hơn.

“Có sàn cho OTC là rất tốt, những NĐT sẽ có thêm thông tin chính xác để khỏi bị lừa”, một số NĐT đã cho biết như vậy. Hiện nay, các công ty chứng khoán đã bắt đầu chuẩn bị cho việc lưu ký sổ cổ đông của các công ty đại chúng để chuẩn bị cho ngày giao dịch trên sàn tập trung trong tháng 6 tới.

Theo một số chuyên gia chứng khoán, khi TTCK đã trải qua một đợt điều chỉnh kéo dài và bắt đầu một đợt tăng mới thì OTC thực sự là điểm đầu tư hấp dẫn, vì cơ hội kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn cao hơn nhiều so với các mã niêm yết.

Tuy nhiên, muốn tìm kiếm được thành công trong thị trường này các NĐT cần phải có chiến lược đầu tư rất bài bản và hợp lý.

Một số NĐT có kinh nghiệm trên sàn OTC cho rằng nên chọn loại CP hội đủ điều kiện là hàng hiệu “Top 5” của mỗi ngành mà DN đó hoạt động, bao gồm: Quy mô vốn, thị phần, nhãn hiệu, hiệu quả hoạt động, chất lượng quản trị, tầm nhìn chiến lược, năng lực tín dụng tốt và ngân hàng sẵn sàng nhận CP làm tài sản thế chấp.

Quan trọng nhất, các DN trên phải là những DN chấp nhận thông tin tương đối rõ ràng và thực hiện tốt cam kết đối với cổ đông.

(Theo HanoiMoi)