Sau kỳ nghỉ lễ dài, tâm lý của các nhà đầu tư thường sẽ ổn định hơn. Mốc 500 của VN-Index dường như không còn bị đe dọa nữa

Với chỉ 2 phiên giao dịch ngắn ngủi đầu tuần và kết thúc bằng kỳ nghỉ khá dài, VN-Index đóng cửa tại mức 522.36 điểm, tăng 1.26% so với cuối tuần trước. Khối lượng giao dịch bình quân tăng khá và đạt trên 9.2 triệu cổ phiếu/phiên với giá trị hơn 393 tỷ đồng.

Sở dĩ khối lượng giao dịch cao hơn tuần trước khá nhiều (trên 66%) là do nhiều nhà đầu tư đánh giá thị trường đã đến đáy và khó có thể phá vỡ ngưỡng 500 điểm bên cạnh sự xuất hiện một số thông tin khả quan nên cũng đã mạnh tay mua vào kỳ vọng kết quả tốt đẹp trong tuần tới. Tính thanh khoản của các mã cổ phiếu gia tăng đáng kể cũng là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường chung.

Mặc dù cả 2 phiên đều quay đầu tăng điểm và chấm dứt chuỗi ngày giảm liên tục của VN-Index trong tuần trước, nhưng cách thể hiện khiến cho giới kinh doanh chứng khoán vẫn không thực sự an lòng. Có những lúc thị trường ngập ngừng và một vài cổ phiếu mạnh như VNM, STB, DPM…vẫn rơi vào thế giằng co quyết liệt ở đợt 2 với hàng loạt lệnh bán lớn luôn sẵn sàng.

Các mã cổ phiếu có liên quan nhiều đến tài chính ngân hàng tiếp tục sụt giảm trong khi các Bluechips khác cùng nhiều mã cổ phiếu vừa và nhỏ tăng điểm tạo thế đứng vững chắc cho thị trường. Chính sự phân hóa này sẽ giúp cho thị trường có khả năng phục hồi theo hướng chậm nhưng chắc chắn.

Một số biện pháp trong cuộc họp của Bộ Tài chính vào ngày 24/4 vừa qua đã được công bố, tuy nhiên được giới đầu tư đánh giá cũng không có gì đặc biệt và khác lạ. Nhà đầu tư không còn trông chờ vào một chính sách có thể hỗ trợ thị trường tăng mạnh cũng như sự kỳ vọng về giá cổ phiếu đã thay đổi theo thời gian.

Họ chấp nhận và dường như quen thuộc với xu thế mất điểm chung của toàn thị trường. Chính niềm tin và kỳ vọng mới vô hình chung đã tạo ra một mặt bằng giá mới cho các cổ phiếu.

Các yếu tố vĩ mô bên ngoài cũng có vẻ ủng hộ cho xu hướng thị trường gia tăng, nền kinh tế Mỹ dù vẫn nhiều khó khăn nhưng đã có những tiến triển tích cực. Vừa qua, FED lại tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản xuống còn 2%.

Thị trường chứng khoán thế giới vẫn đang có những phiên tăng điểm ngoạn mục. Giá vàng biến động bất ngờ khiến nhiều người không dám thử thách và luôn chờ đợi tín hiệu tích cực từ thị trường chứng khoán.

Trong nước, lạm phát tháng Tư khoảng 2.2 %, mặc dù tốc độ tăng có giảm so với tháng Ba, nhưng vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và vẫn là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu.

Đồng thời, sau khi trần lãi suất được cho phép bỏ, các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động lên 12% đối với các kỳ hạn trên 6 tháng. Nhưng mục tiêu vẫn là huy động nguồn vốn ngắn hạn cho thấy các ngân hàng quản trị thanh khoản còn rất yếu. Chính dấu hiệu này lại làm cho các nhà đầu tư chứng khoán không yên tâm do sợ lại có đợt bán tháo cổ phiếu nhằm bảo đảm thanh khoản ngắn hạn.

Bên cạnh đó, việc nhập siêu trong 4 tháng đầu năm lên đến hơn 11 tỷ USD trong khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ trên 22 tỷ USD, nếu có sự đảo chiều và dòng vốn quay về nước ngoài thì sẽ hết sức nguy hiểm cho nền kinh tế của Việt Nam.

Có một số đề xuất về việc mở “Room” cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng thiết nghĩ vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp đang còn “Room” khá lớn nhưng vẫn không thu hút được. Vậy liệu việc mở “Room” trong thời điểm này có phù hợp khi mà khối nước ngoài sẽ chỉ đổ xô tập trung vào một số mã chủ yếu và đẩy mạnh việc thâu tóm những doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Kết quả kinh doanh Quý I đã được công bố khá nhiều và đầy đủ, với sự sụt giảm mạnh của toàn thị trường như vừa qua thì những doanh nghiệp nào vẫn trụ được với lợi nhuận khả quan và không phụ thuộc nhiều vào tài chính, bất động sản…sẽ là những mã cổ phiếu được ưu tiên chọn lựa. Sự lên ngôi của các mã nhỏ và vừa cùng với kết quả kinh doanh tốt sẽ đem lại nhiều lợi nhuận cho giới kinh doanh chứng khoán.

Theo dõi kết quả mua bán của khối nước ngoài cũng như cách hỗ trợ thị trường thông qua các mã định hướng, dự đoán VN-Index sẽ tích lũy trong một thời gian nữa và có thể chỉ tăng nhẹ trong tuần tới với khối lượng giao dịch khá.

Tuy nhiên, nhận định xu hướng của thị trường cũng chỉ có ý nghĩa tương đối và việc nhận ra sự di chuyển vốn đầu tư từ nhóm cổ phiếu Bluechips sang các mã nhỏ và vừa có kết quả kinh doanh khả quan sẽ đem lại lợi nhuận đáng kể cho giới kinh doanh chứng khoán.

Sau kỳ nghỉ lễ dài, tâm lý của các nhà đầu tư thường sẽ ổn định hơn.

Mốc 500 của VN-Index dường như không còn bị đe dọa nữa và kết quả kinh doanh đã công bố của các công ty niêm yết không đến nổi quá kém như nhiều nhà đầu tư lo sợ.

Những điều này sẽ cho phép một cái nhìn lạc quan hơn về chứng khoán trong tháng 5 so với các tháng 3 và 4 vừa qua.

Tuy nhiên, tình hình vĩ mô vẫn chưa có nhiều cải thiện, lạm phát vẫn còn cao trong tháng 4 vừa qua và tiềm tàng trong các tháng tới. Sự đồng thuận nâng trần lãi suất tiết kiệm lên 12% của Hiệp Hội Ngân Hàng Việt Nam cuối tháng 4 cho thấy các ngân hàng thương mại vẫn đang gặp khó khăn về thanh khoản và huy động vốn.

Thông tin về các tổng công ty lớn, các tập đoàn của nhà nước dính khá sâu vao đầu tư tài chính – bất động sản ngắn hạn, nguy cơ thua lỗ tiềm tàng đối với các công ty đang có danh mục đầu tư tài chính lớn gợi ý về khả năng tiếp tục có những đợt bán tháo cổ phiếu mới, dù không mạnh như tháng 3, nhưng cũng có thể cuốn phăng lượng cầu ít ỏi mới tích tụ.

Vì vậy, trong tuần này, các nhà đầu tư nên thận trọng chờ đợi thêm các thông tin mới về kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết cũng như các chính sách cụ thể từ phía cấp quản lý trước khi quyết định tham gia sâu vào thị trường.

Trước mắt, khi chưa có thông tin hỗ trợ thêm, thì cơ hội đầu tư vẫn chỉ tập trung ở các cổ phiếu của các công ty:

- Thuộc các ngành sản xuất - kinh doanh các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu, đặc biệt là các công ty cung cấp sản phẩm hỗ trợ nông nghiệp;

- Có kết quả kinh danh ngành chính tăng trưởng hơn 20% so với cùng thời kỳ năm 2007;

- Có P/E forward 2008 <>

- Không có vay nợ ngắn hạn (lãi suất thương mại) và đầu tư tài chính nhiều.

Đồng thời, tiếp tục tránh mua và nắm giữ các cổ phiếu của các công ty

- Thuộc các ngành tài chính – bất động sản

- Có kết quả kinh doanh kém hơn cùng thời kỳ năm 2007, đặc biệt các công ty có kết quả kinh doanh quý I/2008 âm.

Lưu ý:

- Nên giữ cân bằng danh mục và duy trì tiền mặt ít nhất 40% trong tổng danh mục đầu tư;

- Cơ hội tham gia thị trường toàn diện, theo đánh giá của chúng tôi, chỉ xuất hiện sau khi biên độ giao dịch được phục hồi về các mức bình thường trước đây.

(Theo VietStock)