Nhà đầu tư đã không còn tin vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khi lợi nhuận báo cáo vượt gấp nhiều lần chỉ tiêu đề ra.

Chứng khoán ảm đạm ngoài phần lỗi do cơ quan quản lý điều hành thị trường non yếu, chính sách điều tiết chưa linh hoạt thì doanh nghiệp niêm yết cũng góp một tay vào bằng cách ồ ạt phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu dễ dãi...

Pha loãng cổ phiếu

Theo một thống kê chưa đầy đủ thì gần như 80% doanh nghiệp niêm yết trên sàn đều chia cổ tức bằng cổ phiếu và đua nhau phát hành cổ phiếu thêm để lấy vốn đầu tư, trong đó chủ yếu là đầu tư tài chính. Hiện tượng này cộng thêm trào lưu dồn dập niêm yết lên sàn đã khiến cho giá cổ phiếu nhiều công ty bị pha loãng.

Lấy ví dụ, một công ty phát hành 100 cổ phiếu ra công chúng, nhà đầu tư A mua một cổ phiếu trong số này. Như vậy nhà đầu tư A đã sở hữu 1/100 cổ phần của công ty. Sau đó công ty phát hành thêm 100 cổ phiếu nữa thì tỷ lệ sở hữu của A giảm xuống còn 1/200. Nói một cách đơn giản, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư A trong công ty đã bị pha loãng.

Điều này có thể khiến giá cổ phiếu ngày càng đi xuống nên ngay đầu năm 2008, nhiều doanh nghiệp đã phải dùng vốn thặng dư của mình để hút bớt cổ phiếu về làm cổ phiếu ngân quỹ nhằm cứu giá. Tuy nhiên, cách này đã không còn làm các nhà đầu tư tin tưởng, nhất là nhóm nhà đầu tư dài hạn.

Phân tích chuyện này, chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí cũng cho rằng chứng khoán thời gian gần đây giảm là do doanh nghiệp quá tham lam khi thấy thị trường sôi động đã ồ ạt phát hành thêm cổ phiếu khiến nhà đầu tư bội thực. Đồng thời trong những đợt phát hành cổ phiếu để huy động vốn thì doanh nghiệp lại dùng vốn này đem đầu tư vào lĩnh vực tài chính, là một thị trường đầy bất ổn. Trong khi đáng lẽ những nguồn vốn trên phải chảy vào sản xuất, kinh doanh để tạo ra sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp thì lại có rất ít đơn vị niêm yết làm.

Phát hành cổ phiếu phải thông qua cổ đông

Mới đây, trong bản kiến nghị của mình gửi các cơ quan quản lý và gửi các doanh nghiệp niêm yết nhằm tìm giải pháp giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã khuyến nghị rằng các doanh nghiệp niêm yết không nên dùng vốn huy động để đầu tư kinh doanh tài chính, vì làm như vậy sẽ có nhiều rủi ro. VAFI khuyên các doanh nghiệp nên dùng nguồn lực (lợi nhuận, vốn huy động do phát hành cổ phiếu) vào hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của đơn vị.

Đồng thời, VAFI cũng kiến nghị việc tăng vốn điều lệ, phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động, xét duyệt các dự án đầu tư... là rất quan trọng, có ảnh hưởng đến giá giao dịch cổ phiếu, ảnh hưởng đến quyền lợi và lòng tin của nhà đầu tư chứng khoán. Do vậy, những vấn đề quan trọng này doanh nghiệp không nên biểu quyết bằng thư lấy ý kiến mà nhất thiết phải biểu quyết tại đại hội cổ đông.

Bình luận về những tác động ngoài chính sách làm thị trường chứng khoán suy giảm, tiến sĩ Hồ Công Hưởng, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Hoàng Gia, cũng cho rằng tác động của chính sách vĩ mô chỉ là một phần nhưng phần lớn khiến chứng khoán ảm đạm chính là vấn đề quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay quá kém.

Đã có nhiều doanh nghiệp vừa qua phát hành cổ phiếu nhằm lấy vốn huy động để đầu tư tràn lan, không hiệu quả. Do đó, một trong những cách cứu chứng khoán thiết thực nhất hiện nay vẫn là nâng cao năng lực quản trị tại các doanh nghiệp. Việc làm này phải thật nhanh như chuyện minh bạch hóa thông tin, tạo ra tiêu chuẩn vật chất (tỷ lệ nắm giữ cổ phần) của hội đồng quản trị, ban kiểm soát... để làm sao nhanh chóng lấy lại niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán.

(Theo PhapLuat)