Thêm một phiên mất điểm nữa của thị trường chứng khoán Việt Nam, khi VN-Index lại để mất tiếp 6,42 điểm sau khi có nỗ lực vượt qua ngưỡng 700 điểm trong đợt 2.

Kết thúc giao dịch đợt 1 ngày 27/2 chỉ số VN-Index lại tiếp tục giảm 11,46 điểm (tương đương giảm 1,65%) xuống 681,45 điểm. Khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh khi chỉ đạt mức 1,89 triệu đơn vị với giá trị giao dịch đạt 121,39 tỷ đồng.

Bước sang đợt 2, thị trường trong thế giằng co quanh mốc 700 điểm, tuy nhiên, sức tăng rất yếu, rốt cuộc Vn-Index vẫn giảm 6,42 điểm, còn 686,49 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 11,095 triệu đơn vị, trị giá 808,31 tỷ đồng.

Trên sàn có 36 mã tăng, 31 mã đứng giá, còn lại 86 mã giảm, trong đó số mã giảm sàn vẫn chiếm ưu thế. Tân binh DXV của Công ty Cổ phần xi măng Vật liệu xây dựng Đà Nẵng sau phiên chào sàn không mấy ấn tượng đã tiếp tục có phiên nằm sàn thứ 2.

Nhiều mã lớn như FPT, STB, SJS, SSI, PVD, REE, SAM… đều giảm giá. Trong khi đó BPC, UNI trở thành hiện tượng khi đi ngược với xu hướng của thị trường, tăng trần trong phiên giao dịch sáng nay.

Trong khi Vn-Index đảo chiều bất thành thì trên sàn Hà Nội, Hastc-Index đã tăng trở lại 2,77 điểm (tương đương 1,21%) lên 232,33 điểm. Khối lượng và giá trị giao dịch tại đây đạt 4,24 triệu đơn vị với 266,52 tỷ đồng

Đầu tàu ACB trên sàn Hà Nội hôm nay cũng đã quay đầu, giảm 2.100 đồng/cổ phiếu. Kế tiếp là đã giảm mạnh của BVS, PAN, RCL, SD7, S99… hay một loạt cổ phiếu có thị giá thấp hướng sàn. Tính chung có gần 100 mã giảm ở phiên này và còn lại 25 mã tăng giá.

HSC của Công ty Cổ phần Hacinco sau phiên tăng mạnh lên 200.000 đồng/cổ phiếu ngày 25/2 lại tiếp tục có một phiên trống giao dịch. Trước đợt suy giảm chung của thị trường suốt từ cuối năm 2007 đến nay, HSC vẫn “bảo toàn” được giá tham chiếu.

Trong suốt hai tháng qua, tuổi thọ của đà tăng mạnh mẽ thường không thể duy trì quá hai phiên liên tiếp. Thị trường chứng khoán sau phiên tăng mạnh đầu tuần vẫn tiếp tục đứng trước đà sụt giảm.

Trước việc giá xăng, dầu đồng loạt tăng mạnh, tạo lo ngại về tình hình lạm phát sẽ tăng theo gây áp lực đối với chính sách tiền tệ; chi phí đầu vào đội lên dẫn tới khả năng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết bị chia sẻ.

(Theo DanTri)