Đối mặt với nhiều yếu tố không thuận, giá chứng khoán Việt Nam đã giảm trung bình 23% kể từ khi giao dịch trở lại vào ngày 12/2 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Kết thúc giao dịch phiên giao dịch cuối cùng của tháng Tết (sáng 29/2), chỉ số VN-Index tiếp tục giảm 14,82 điểm (tương đương giảm 2,18%) xuống 663,3 điểm.

Như vậy, trong tổng số 14 phiên giao dịch trong tháng này, chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam đã giảm 12 phiên và chỉ có 2 phiên tăng giá. Hai mốc tâm lý là 800 và 700 điểm đã nhanh chóng bị phá vỡ. Giá giảm kéo theo khối lượng giao dịch tăng nhưng không mạnh.

Trong phiên giao dịch sáng nay, khối lượng giao dịch tăng lên 12,9 triệu đơn vị, trị giá 903,1 tỷ đồng.

Các cổ phiếu blue-chips tiếp tục giảm giá mạnh. Các cổ phiếu tăng giá rất ít và tập trung vào một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm, doanh nghiệp xây dựng và doanh nghiệp có liên quan tới xăng dầu.

Nhiều yếu tố bất lợi

Thoát khỏi cảnh rơi tự do vào cuối tuần trước và chững lại trong mấy phiên đầu tuần mới, tưởng chừng TTCK sẽ ấm trở lại hoặc cùng lắm là ngừng giảm giá nhưng điều này đã không xảy ra.

Chứng khoán vẫn tiếp tục xu hướng đi xuống. Hầu như tất cả các nhà đầu tư cầm cổ phiếu trong gần 1 năm gần đây đều đang thua lỗ nặng do giá chứng khoán đã mất trung bình khoảng 50% kể từ giữa tháng 3/2007.

Mặc dù đã giảm mạnh như vậy nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào rõ ràng cho thấy thị trường có thể hồi phục trở lại. Sự bi quan của họ xuất phát từ khá nhiều tín hiệu không tốt lành đến với thị trường.

Đó là thông tin về lạm phát của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đạt mức cao kỷ lục (hơn 6%) trong khi đó giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh liên tục tăng; chứng khoán thế giới vẫn còn chao đảo do bóng đen đang phủ lên nền kinh tế đầu tàu của thế giới là Mỹ; giá vàng tăng từng ngày; cung-cầu cổ phiếu mất cân bằng…

Hơn nữa, những thông tin nóng bỏng về giá dầu và vàng liên tục lập kỷ lục mới trong những ngày qua như đang lấy hết sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư chứng khoán.

Sàn chứng khoán TP.HCM ngày 29/2: Hơn 1/3 mã giảm sàn

Kết thúc phiên giao dịch sáng 29/2, trong tổng số 150 cổ phiếu và 3 chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn chỉ có 9 cổ phiếu tăng giá, 6 cổ phiếu đứng giá và có đến 135 cổ phiếu giảm giá, trong đó có khá nhiều mã giảm sàn.

3 chứng chỉ quỹ phiên này chỉ có PRUBF1 đứng giá ở mức 10.200 đồng/ccq, còn lại 2 chứng chỉ quỹ MAFPF1 và VFMVF1 đều giảm giá tương ứng 200 đồng xuống 8.400 đồng/ccq và 600 đồng xuống 19.900 đồng/ccq.

Top 10 cổ phiếu có mức vốn hoá lớn trên thị trường và cũng là những cổ phiếu chủ chốt hầu hết đều giảm giá, trong đó có 3 mã giảm giá sàn.

Cụ thể, các mã giảm sàn là SSI Của Chứng khoán Sài Gòn giảm 4.500 đồng xuống 88.500 đồng/cổ phiếu; FPT của CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ FPT giảm 7.000 đồng xuống 141.000 đồng/cổ phiếu; SJS của Sudico giảm 8.000 đồng xuống 164.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra các mã STB của Sacombank giảm 500 đồng xuống 51.500 đồng/cổ phiếu; DPM của Đạm Phú Mỹ giảm 1.000 đồng xuống 56.000 đồng/cổ phiếu; HPG của Hoà Phát giảm 2.000 đồng xuống 80.500 đồng/cổ phiếu.

Trong nhóm này bất ngờ khi ITA của CTCP KCN Tân Tạo tăng trần 4.500 đồng lên 94.500 đồng/cổ phiếu.

Nhóm 9 cổ phiếu tăng giá có được thêm 2 cổ phiếu tăng trần là ANV của CTCP Nam Việt tăng 3.000 đồng lên 72.000 đồng/cổ phiếu; HBD của CTCP bao bì PP Bình Dương tăng 1.400 đồng lên 31.000 đồng/cổ phiếu.

Về khối lượng khớp lệnh, phiên này SSI bất ngờ tăng mạnh và dẫn đầu với hơn 1,5 triệu cổ phiếu, STB với 1.126.520 cổ phiếu, DPM với 932.430 cổ phiếu, PPC với 423.950 cổ phiếu, sau đó là PVT, PVD, PRUBF1, HAP...

(Theo VietnamNet)