Khi thị trường bất động sản bắt đầu bế tắc cũng là lúc xuất hiện hai hiện tượng nghịch cảnh trong giới đầu tư.

Những người đã bán xong nhà đất vào cuối năm 2007 (lúc giá ở đỉnh điểm) đang vui vẻ ôm hàng đống tiền chờ tìm kênh đầu tư mới để làm cho đồng vốn quay vòng sinh lợi nhiều hơn. Còn những người chạy theo phong trào (mua bất động sản giữa lúc giá cao) thì đang hoảng hốt vì sợ thị trường đóng băng.

Trong khi đó sức mua trên thị trường chứng khoán đang tăng lên rất mạnh.

Sức mua tăng 2,5 lần

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, giữa lúc các nhà đầu tư nhỏ hoảng hốt tranh nhau bán tháo cổ phiếu thì đến cuối buổi, những lệnh mua số lượng lớn được tung ra. Kết thúc phiên đã có gần 21 triệu cổ phiếu được mua, bằng 233% so với ngày trước đó.

Còn ngày đầu tuần này (25-2), thị trường chứng kiến một phiên đảo chiều ngoạn mục, với sức mua lên đến gần 24 triệu cổ phiếu (cả khớp lệnh và thỏa thuận), giá trị đạt 2.052 tỉ đồng. Như vậy 3 phiên giao dịch vừa qua (riêng tại sàn TPHCM) các nhà đầu tư đã mua vào 3.837 tỉ đồng (bình quân 1.279 tỉ đồng/phiên), nhiều gấp 2,5 lần so với những ngày trước đó.

Ông Hoàng Bảo, một nhà đầu tư cá nhân tại sàn SSI, nói: Giá trị giao dịch lớn như vậy chỉ có thể có được khi các nhà đầu tư lớn tham gia mà thôi. Khi đã gom được nhiều hàng với giá rẻ, trong thời gian tới, nếu có cơ hội thuận lợi, các đại gia sẽ đẩy giá cổ phiếu lên để tạo ra sóng lớn. Lúc đó nhiều người nhảy vào mua và họ sẽ bán ra để hiện thực hóa lợi nhuận.

Trong những ngày tới vì nhiều nhà đầu tư nhỏ đang muốn bán để cắt lỗ, còn các nhà đầu tư lớn chưa cần giải ngân hết tài khoản (vì cơ hội mua còn nhiều) nên thị trường vẫn còn lình xình chưa thể bứt phá được.

Xuất hiện những dấu hiệu tích cực

*Một số chuyên gia địa ốc cho rằng nếu thị trường tiếp tục diễn biến như hiện nay thì chủ đầu tư sẽ phải thay đổi hình thức bán căn hộ để bảo đảm an toàn, đồng thời xem xét lại giá bán đã công bố.

Không phải ngẫu hứng mà nhà đầu tư lớn nhảy vào thị trường chứng khoán. Thời điểm mua cổ phiếu hiện tại được cho là phù hợp, vì giá đã xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua.

Cơn khủng hoảng tài chính đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực, như: cho vay bất động sản đang bị siết chặt (thị trường có thể sẽ đóng băng trong vòng 3 năm), lạm phát đang được nhiều động lực níu lại nên có thể thiểu phát vào thời điểm giữa năm, Chính phủ đã cho nước ngoài mua cổ phiếu bằng ngoại tệ (đối với nhà đầu tư chiến lược), tiến độ IPO các doanh nghiệp lớn sẽ được dãn ra cho phù hợp với sức mua thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang gấp rút soạn thảo cơ chế cho nhà đầu tư được mua cổ phiếu bằng hình thức ký quỹ...

Những động thái đó hứa hẹn sẽ làm cho thị trường sôi động hơn trong thời gian tới.

Bất động sản đang “xì hơi”

Trong khi đó, hiện tượng “xì hơi” của thị trường bất động sản đã xuất hiện ngày càng rõ nét. Những nhà đầu tư theo phong trào mới mua nhà đất vào cuối năm 2007 đang hốt hoảng tìm đường tháo chạy.

Trong số đó những người vay tiền ngân hàng để mua nhà đất đang lo lắng vì nguồn cung tín dụng bị cắt hoặc nếu có thì lãi suất cũng lên cao. Quảng cáo rao bán nhà đất (đặc biệt là những khu vực tăng nóng vừa qua như Nhà Bè, quận 7) đăng tràn ngập trên nhiều tờ báo. Anh Thi, một người môi giới tại quận 7, cho biết do giá nhà đất đã lên quá cao, nhà đầu tư đã chùn tay nên các điểm môi giới hiện giờ đang vắng khách.

Tuy nhiên vẫn có nhiều người mua đang “mai phục”, chờ giá nhà đất xuống đáy để gom vào. Một trong những dự án "nóng" nhất là Him Lam - kênh Tẽ (quận 7) đã giảm từ 2 đến 4 triệu đồng/m2 so với trước đó một tuần, nhưng khách hàng ít quan tâm vì còn chờ giá xuống nữa. Tại quận 2, nếu trước đây chủ đất kêu giá nào bán giá đó thì nay chủ đất sẵn sàng bớt từ 1 đến 2 triệu đồng/m2. Tương tự, nhiều dự án ở quận 9 tăng khá nóng cũng đã lục tục xuống giá.

Khi thị trường bất động sản bắt đầu bế tắc cũng là lúc xuất hiện hai hiện tượng nghịch cảnh trong giới đầu tư. Những người đã bán xong nhà đất vào cuối năm 2007 (lúc giá ở đỉnh điểm) đang vui vẻ ôm hàng đống tiền chờ tìm kênh đầu tư mới để làm cho đồng vốn quay vòng sinh lợi nhiều hơn. Còn những người chạy theo phong trào (mua bất động sản giữa lúc giá cao) thì đang hoảng hốt vì sợ thị trường đóng băng.

Với khả năng làm ăn nhạy bén, nhiều nhà đầu cơ (giàu lên từ bất động sản) sẽ tìm đến kênh đầu tư mà hàng hóa ở đó đang ế ẩm nhất để giải ngân. Vùng trũng thu hút tiền trong thời điểm hiện tại chỉ có thể là chứng khoán nên nó sẽ được nhiều người lựa chọn đầu tư.

*Chứng khoán hóa bất động sản

Một số chủ dự án đã chọn hình thức chứng khoán hóa bất động sản như một hình thức kinh doanh mới. Đơn cử như dự án Phú Lợi (quận 8) đã phát hành trái phiếu đầu tư cho dự án. Mỗi trái phiếu trị giá 500 triệu đồng, sau 4 tháng chia cổ tức, dự án hoàn thành phần móng và khách hàng sẽ được quyền mua căn hộ với mức giá giảm 5% tổng giá trị.

Mới đây, một dự án khác ở phường Phú Mỹ (quận 7) của công ty S. cũng thông báo sẽ bán trái phiếu góp vốn cho dự án (1,5 tỉ đồng/trái phiếu - PV) với lãi suất lên đến 1%/tháng khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Phân tích về cách làm này, một chuyên gia địa ốc cho rằng các chủ đầu tư đều... kẹt vốn, do đó phải tìm vốn từ nhà đầu tư để giảm lãi vay ngân hàng và tránh rủi ro căn hộ làm xong bị ế.

(Theo NLD)