Chuyện nhà đầu tư chứng khoán "vượt rào" chỉ bị phạt nhẹ là cơ hội để các "đại gia" ngoại trổ tài các ngón nghề của mình và dấy lên nỗi lo thị trường sẽ không còn được trong sạch, vì bị một số cá nhân thao túng.

Thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở, Trung tâm Giao dịch chứng khoán liên tiếp đưa ra các quyết định xử phạt cá nhân, tổ chức trong nước vi phạm quy chế giao dịch cổ phiếu. Trong số những nhà đầu tư bị phạt, chủ yếu là những nhà đầu tư trong nước và một số tổ chức nước ngoài.

Tuy nhiên, dư luận lo ngại, khung hình phạt quá nhẹ lại là những thuận lợi để các "đại gia" ngoại thể hiện các ngón nghề tinh vi của mình, đặc biệt khi việc điều tra còn gặp một số hạn chế.

Cần có khung phạt hình sự

Mới đây, tổ chức nước ngoài là Citigroup Global Ltd giao dịch cổ phiếu NKD đạt tỷ lệ sở hữu 5,48%, song không công bố thông tin, là vi phạm quy định báo cáo về sở hữu của cổ đông lớn, song cũng chỉ bị... nhắc nhở.

Indochina Capital Corporation cũng đã từng bị phạt 10 triệu đồng vì vi phạm quy định về giao dịch nội bộ khi thực hiện giao dịch cổ phiếu VNM mà không báo cáo...

Chuyện cá nhân, tổ chức thường xuyên vi phạm trong giao dịch cổ phiếu mà báo chí vẫn đăng tải hằng ngày, song lại chỉ bị phạt nhẹ càng làm tăng nguy cơ tiềm ẩn của việc thao túng và lũng đoạn của các nhà đầu tư bất chính, đặc biệt trong thời điểm thị trường đang có nhiều biến động.

Chuyện nhà đầu tư bị phạt nhẹ là cơ hội để các "đại gia" ngoại trổ tài các ngón nghề của mình và dấy lên nỗi lo thị trường sẽ không còn được trong sạch, vì bị một số cá nhân thao túng.

Thực ra, chuyện phạt trên là hoàn toàn mang tính khách quan, dựa trên khung hình phạt đã có sẵn, song các mức phạt trong khung hình phạt đều là nhẹ.

Theo Nghị định 36/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán thì những hành vi tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá chỉ bị phạt tối đa 70 triệu đồng.

Trước những khó khăn trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem chuyện tăng cường quản lý, giám sát là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trước mắt là thành lập Ban giám sát thị trường; xây dựng quy trình tiêu chí giám sát trên thị trường chứng khoán, tách biệt công tác theo dõi với thanh tra và cưỡng chế thực thi.

Ủy ban cũng tăng cường trao đổi với ủy ban Chứng khoán của các nước để học tập kinh nghiệm, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin và giám sát thị trường, đồng thời triển khai các dự án hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu á nhằm đào tạo nghiệp vụ giám sát thị trường cho cán bộ quản lý và vận hành.

Hiện nay, Bộ luật Hình sự Việt Nam chưa có bất kỳ tội danh nào quy định trực tiếp đối với các hoạt động vi phạm trực tiếp trên thị trường chứng khoán. Chính vì vậy, thời gian tới, cơ quan quản lý thị trường sẽ xem xét, đề nghị đưa ra các chế tài hình sự cụ thể, áp dụng cho các tội danh trong lĩnh vực này.

Ngoài phạt tiền thì các tội nghiêm trọng có thể bị phạt tù. Bên cạnh đó, mức xử phạt hành chính cũng sẽ được nâng lên để tăng tính răn đe.

Gập ghềnh trong công tác điều tra

Ông Hoàng Đức Long, Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, sẽ vào cuộc đối với một số tổ chức có dấu hiệu vi phạm trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, kế hoạch điều tra giao dịch khả nghi của một số tổ chức ngoài nước theo ông Long là gặp không ít khó khăn, bởi phải lần theo dấu vết của hàng trăm ngàn tài khoản hiện có, trong khi lực lượng thanh tra lại quá mỏng.

Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra gặp phải một số khó khăn về công nghệ... Thực tế là, để phát hiện chuyện "làm giá" của các nhà đầu tư nước ngoài không hề đơn giản.

Trong thời gian qua, có phát hiện một số vụ "làm giá" của một số nhà đầu tư trong nước đã phải mất khá nhiều thời gian, ít thì cũng là hơn một tháng, nhiều thì phải là gần nửa năm. Nếu là những vụ "làm giá" liên quan tới yếu tố nước ngoài, chắc chắn chuyện điều tra phải tốn thời gian hơn con số trên rất nhiều và sẽ cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan ban, ngành.

Hiện nay, để điều tra ngọn ngành các vụ "làm giá", trong đó có các vụ liên quan tới nhà đầu tư nước ngoài đều có liên đới tới công tác kiểm toán.

Trên thực tế, Thanh tra chứng khoán cũng đã phát hiện các trường hợp kiểm toán không chính xác hoặc không đầy đủ, tuy nhiên, để phát hiện ra những vụ việc như vậy khá khó khăn do đòi hỏi yêu cầu chuyên môn cao của những người làm công tác điều tra.

Có trường hợp phải nhờ sự phối hợp của cơ quan chuyên ngành của Bộ Tài chính thẩm định. Mối quan hệ càng phức tạp hơn khi mà bộ phận kiểm toán cấu kết với những doanh nghiệp để cùng nhau vi phạm bằng việc tung ra hàng loạt các chiêu thức tinh vi rất khó để nhận biết.

(Theo CAND)