Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM khởi đầu năm 2008 tồi tệ nhất trong các thị trường ở châu Á, giảm 16% chỉ riêng trong tuần trước, một cú sốc cay đắng cho các nhà đầu tư vốn đã thấy thị trường tăng 150% trong năm 2006 và 25% năm 2007.

Vũ Hiệp, một nhà đầu tư tại TP.HCM cho biết số tiền đầu tư của anh vào thị trường chứng khoán đã bị giảm mất một nửa chỉ trong vài tháng gần đây, Hiệp nói :" 7 cổ phiếu blue-chip mà tôi đang nắm giữ đã giảm giá 50% so với năm ngoái nhưng tôi không bán, bởi vì tôi là nhà đầu tư dài hạn, không phải người lướt sóng".

Một năm trước đây, các sàn giao dịch và môi giới chứng khoán luôn đông nghẹt người, mặc dù kiến thức về chứng khoán của họ còn "lơ mơ" và thị trường chưa có những quy định chặt chẽ. Một số người đã cầm cố nhà để mua chứng khoán. Tất cả, từ các nhân viên văn phòng, bà nội trợ đến người lái taxi đều hăm hở tham gia vào thị trường chứng khoán.

Những động thái thắt chặt tiền tệ của chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát đầu năm qua đã châm ngòi cho cuộc tháo chạy ồ ạt của các nhà đầu tư nhỏ trong nước, đẩy VN-Index giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2006.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh và giá chứng khoán ở mức hấp dẫn như hiện nay, thì sự phục hồi của thị trường trị giá 20 tỷ USD hoàn toàn có khả năng.

Chỉ số VN-Index hôm thứ 6 giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đến thứ 2 đã tăng thêm 4%. Phần lớn các công ty niêm yết đang có tỷ lệ giá trên lợi nhuận (P/E) thấp hơn 20, thậm chí là 10.

SSI, công ty chứng khoán lớn nhất VN có PE là 13, trong khi Navico, nhà xuất khẩu cá basa lớn nhất có PE là 12.

Hiệp nói :“Tôi nghĩ thị trường đã xuống đến đáy và sẽ sớm tăng lại ”.

Tăng trưởng cao nhưng lạm phát là "mối đe doạ"

Các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng các yếu tố nền tảng của Việt Nam vẫn mạnh, với GDP năm nay dự tính tăng 8%, so với 8,5% của năm ngoái, mặc dù kinh tế toàn cầu đang chậm lại và thị trường tài chính nhiều sóng gió.

Tuy nhiên, việc giá tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian qua là một thách thức đối với chính phủ và các thị trường.

Các nhà đầu tư cho rằng sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán tuần qua chủ yếu do tác động của việc Ngân hàng Nhà nước phát hành 1,3 USD tín phiếu bắt buộc để thu hút tiền mặt trong lưu thông.

Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hạn chế lạm phát tuy nhiên tác dụng vẫn chưa được như mong đợi.

Cuối tháng 1, ngân hàng trung ương đã cho biết sẽ nới lỏng việc cho vay đầu tư chứng khoán tại các ngân hàng. Đồng thời các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mua cổ phiếu bằng ngoại tệ.

Một tín hiệu tích cực nữa được ghi nhận là các nhà đầu tư nước ngoài, vốn chiếm 20% khối lượng giao dịch, đã hầu như không bán ra.

Tuy nhiên, một số nhà quản lý quỹ đầu tư cho rằng nếu không có sự nới lỏng quy định về mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, sự định giá chính xác hơn về các công ty niêm yết thì thị trường vẫn chưa thể phục hồi bền vững. Hiện nay nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu 49% cổ phần của các công ty và 30% cổ phần của các ngân hàng đang niêm yết.

Một nhà đầu tư tại sàn giao dịch SSI cho rằng :“Đây là thời điểm quá lý tưởng để mua vào, nhưng nhà đầu tư trong nước dường như đã cạn tiền mặt, chỉ còn các nhà đầu tư nước ngoài mà thôi”.

(Bài viết của Reuters về thị trường chứng khoán Việt Nam)

(Theo Reuters)