Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán vừa có khuyến nghị về một loạt giải pháp để xử lý tình hình thị trường hiện nay.

Cuối tuần qua, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng đã có bài viết quan trọng phân tích tình hình thị trường hiện nay và đưa ra những đề xuất mới trong quản lý, điều hành. Chúng tôi xin tóm lược những nội dung chính của bài viết này.

Mở “room” kích thích thị trường

Trong bài viết nói trên, ông Vũ Bằng cho rằng, về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room), trước mắt vẫn duy trì mức sở hữu 49% với công ty niêm yết; nhưng nghiên cứu các tỷ lệ sở hữu đối với ngân hàng lên 33-35% để tạo kích thích cho thị trường chứng khoán.

Ðối với chứng khoán chưa niêm yết, có hai phương án xử lý nâng từ mức 30% (theo luật khuyến khích đầu tư trong nước trước đây) lên 40% hoặc thực hiện phân loại doanh nghiệp với các tỷ lệ áp dụng khác nhau.

Tuy nhiên, ông Vũ Bằng nhận định việc phân loại doanh nghiệp cũng sẽ khó khăn vì hiện nay một doanh nghiệp hoạt động trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Theo đó, trước mắt có thể phân loại theo một số nhóm nhất định (không quá chi tiết) dựa trên hoạt động chính của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh hơn mua ngoại tệ

Ứng xử trước luồng vốn ngoại tệ nước ngoài và đồng thời với việc cho đồng Việt Nam lên giá hơn nữa, khuyến nghị đưa ra là Ngân hàng Nhà nước cần đẩy mạnh hơn việc mua vào ngoại tệ trong thời hạn ít nhất một tháng. Ưu tiên mua ngoại tệ cho mục đích kiều hối, đầu tư trực tiếp, góp vốn đầu tư chiến lược, đầu tư vào thị trường chứng khoán để hỗ trợ cho thị trường không bị giảm sút.

Cùng với mua ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước thực hiện hút tiền về thông qua việc phát hành tín phiếu, trái phiếu.

Trong thời gian tới, nếu luồng ngoại tệ vượt quá mức độ hấp thụ của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu xác định tổng hạn mức ngoại tệ đầu tư gián tiếp và phân bổ hạn mức trên cơ sở phân loại các tổ chức đầu tư nước ngoài (QII) theo các tiêu chí thích hợp, các tổ chức lớn đầu tư lâu dài sẽ được ưu tiên hơn.

Tuy nhiên, việc đưa ra giải pháp này cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng quy mô luồng vốn nước ngoài, tránh gây “sốc” với thị trường. Trước mắt, chủ yếu tăng cường chế độ báo cáo, tính công khai, minh bạch và nắm bắt kịp thời chính xác luồng vốn này.

Xem xét lại kế hoạch IPO

Ðể hỗ trợ sức cầu cho thị trường, ông Vũ Bằng đề xuất nghiên cứu cho phép chi nhánh, công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài hoạt động sớm hơn ở Việt Nam, nhưng cho phép quản lý luồng vốn huy động ở nước ngoài nhằm thu hút và quản lý tốt hơn luồng vốn này.

Về hoạt động đấu giá (IPO) hiện nay, do chưa có giải pháp “kích cầu” đối với thị trường chứng khoán, việc đưa các doanh nghiệp nhà nước lớn ra đấu giá sẽ khó thành công và không khỏi tác động mạnh đến thị trường. Tuy nhiên, trì hoãn việc IPO cũng làm chậm lại quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước và tiến trình cải cách hiện nay.

Đề xuất cho vướng mắc trên là cần nghiên cứu chuyển sang chào bán theo phương thức thỏa thuận cho đối tác chiến lược. Nếu lựa chọn đúng đối tác chiến lược, phải nắm giữ trong thời hạn ba năm thì sẽ bớt lượng cung hàng ra thị trường. Ðồng thời giúp cho doanh nghiệp tăng cường quản trị công ty, hoạt động có hiệu quả hơn; Nhà nước và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhiều hơn trong tương lai.

Ðể tránh thất thoát tài sản nhà nước do áp dụng phương thức thỏa thuận, cần yêu cầu các doanh nghiệp cổ phần hóa phải công bố công khai và chi tiết hơn các thông tin về doanh nghiệp và vấn đề định giá cần được các tổ chức chuyên nghiệp xác định một cách công khai, minh bạch.

Ðiều chỉnh lại một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô

Theo nhận định của ông Vũ Bằng, lạm phát hiện nay là kết quả của việc tăng trưởng lượng tiền cung ứng và tín dụng trong những năm trước đây cũng như những yếu kém và hiệu quả thấp trong sản xuất kinh doanh, đầu tư.

Việc huy động vốn quá dễ dàng của các doanh nghiệp trên thị trường tự do cũng dẫn đến sức ép đầu tư tràn lan, làm giảm hiệu quả của các doanh nghiệp này cùng lúc là nguyên nhân tác động đến lạm phát. Bởi vậy quá trình chống lạm phát không chỉ bằng các giải pháp từ phía ngân hàng, mà cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có cả vấn đề kiểm soát các hoạt động huy động, sử dụng vốn và vấn đề đầu tư các dự án, cả trong hoạt động chi tiêu chính phủ.

Các giải pháp kiểm soát lạm phát hiện nay của Ngân hàng Nhà nước cần có độ trễ để phát huy tác dụng, không vì chưa thấy tác dụng mà tiếp tục gia tăng và xiết chặt hơn nữa. Bởi vì nếu muốn có tác dụng ngay lập tức thì sẽ gây “sốc” với doanh nghiệp và nền kinh tế.

Về vấn đề kiểm soát tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đang làm tốt vấn đề này để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên cần có sự phân biệt đối với các dự án có hiệu quả thực sự, đặc biệt trên tổng mức tín dụng cho phép cần có sự điều chỉnh bên trong cho phù hợp để có thể vẫn giữ và nới lỏng hơn kênh cho vay chứng khoán, từ đó hỗ trợ cho thị trường chứng khoán không bị “tổn thương” quá mức. Thông thường các nước đều nới lỏng tín dụng cho kênh chứng khoán khi thị trường sụt giảm và thắt chặt hơn khi thị trường quá “nóng”.

Ðối với thị trường bất động sản, cách ứng xử của ngân hàng hiện nay là phù hợp. Tuy nhiên cần kết hợp các giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản. Ðồng thời việc kiểm soát thị trường này cũng nên từ từ từng bước, tránh dẫn đến sự “đông lạnh”, ảnh hưởng đến các ngân hàng, các doanh nghiệp.

(Theo TBKTVN)