Một tuần đầy biến động của chứng khoán thế giới khi thị trường dầu mỏ và vàng tiếp tục đón nhận những đợt sóng lớn. Viễn cảnh kinh tế Mỹ tiếp tục là nhân tố tác động mạnh mẽ nhất đến thị trường vốn toàn cầu.

Ngày 22/2, sàn giao dịch New York chứng kiến một phiên giao dịch đầy kịch tính. Từ đầu đến gần cuối phiên, các cổ phiếu đua nhau mất điểm, dẫn đầu là những cổ phiếu tài chính. Nhưng 30 phút giao dịch cuối cùng, chứng khoán Mỹ bất ngờ quay đầu đi lên, giúp thị trường này chính thức trải qua tuần thứ hai liên tiếp tăng điểm.

Standard & Poor's 500 leo thêm 10,58 điểm (0,8%) đạt 1.353,11 điểm, kết thúc cả tuần ở mức tăng điểm 0,2%. Dow thêm 96,72 điểm (0,8%) lên mức 12.381,02 điểm. Nasdaq Composite Index cũng tăng 3,57 điểm (0,2%) đạt 2.303,35 điểm. Trên thị trường giao dịch New York, số cổ phiếu tăng giá gấp đôi số cổ phiếu giảm giá.

Việc các công ty trong ngành bảo hiểm trái phiếu có tiếp tục duy trì định mức tín nhiệm hạng AAA để bảo hiểm số lượng chứng khoán trị giá 2,4 nghìn tỷ USD đã đóng góp vào việc tạo sóng cho thị trường chứng khoán Mỹ. Tuần này, biến động trong ngày trung bình của chỉ số Dow là 234 điểm, hơn gấp ba lần con số của cùng kỳ năm ngoái.

Nhóm cổ phiếu tài chính kết thúc ngày giao dịch cuối tuần với bước tiến 1,6%, 81 trong số 92 thành viên đều lên điểm.

Goldman Sachs Group Inc., công ty chứng khoán lớn nhất nước Mỹ lên được 2,54 USD, đạt 177,71 USD sau khi sụt giảm 2,2%. Lehman Brothers Holdings Inc. tăng thêm 8 cents, đạt 54,22 USD. Bear Stearns Cos cũng lên được 2,93 USD, đạt 85,16 USD.

AIG, công ty bảo hiểm lớn nhất nước này lên giá 1,29 USD, được giao dịch ở mức 48,88 USD. JPMorgan, ngân hàng lớn thứ ba nước Mỹ cũng leo thêm 86 cents lên mức 43,93 USD, xóa sạch phần sụt giảm 2,7% trước đó. MBIA Inc., công ty bảo hiểm trái phiếu lớn nhất thế giới bất ngờ quay đầu tăng 28 cents, lên mức 12,18 USD sau khi chịu thiệt hại đến 9,7%.

Suy thoái thị trường bất động sản nói riêng và cả nền kinh tế Mỹ nói chung đã làm cho S&P 500 mất 7,8% và Dow đã hao hụt 6,7% trong chưa đầy hai tháng đầu năm 2008 này.

Hôm 22/2, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang tại Dallas, ông Richard W.Fisher đã nhận định rằng, nước Mỹ nên chịu tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn là suy thoái sâu.

Viễn cảnh rất có thể đến với Mỹ là chúng ta sẽ tránh được “một giai đoạn tăng trưởng kinh tế tiêu cực tiếp tục bị kéo dài”, ông Fisher trả lời phỏng vấn như vậy mà không nhắc đến cụm từ “suy thoái”. Ông cũng nói rằng, ông nhận ra mối lo ngại về lạm phát ngày càng lớn của các quan chức mà ông có dịp nói chuyện, và điều đó “làm tôi rất chú ý”.

Các ông chủ sản xuất con chip máy tính và các máy móc có liên quan tụt lùi sau khi một nhóm doanh nhân cho biết, đơn đặt hàng về các sản phẩm bán dẫn của thị trường Bắc Mỹ đã giảm 23% trong tháng giêng so với cùng kỳ năm ngoái.

KLA-Tencor Corp., nhà sản xuất thiết bị sản xuất con chip lớn thứ hai nước Mỹ mất 41 cent, lên mức 42,54 USD. Intel Corp., ông chủ sản xuất con chip lớn nhất thế giới vuột mất 48 cents, chỉ còn 19,82 USD.

Trong phiên giao dịch cuối tuần tại NYSE, khoảng 1,42 tỷ cổ phiếu đã được chuyển nhượng, ít hơn 11% so với con số trung bình ngày trong 3 tháng.

Các nhà đầu tư đang chờ những thông tin kinh tế mới mẻ trong tuần sau. Một báo cáo dự kiến công bố ngày 25/2 có thể sẽ cho thấy doanh số bán nhà trong tháng giêng bị sụt giảm.

Chứng khoán châu Á lại kết thúc tuần giao dịch thứ 7 sụt giảm trong 8 tuần đầu tiên của năm 2008 vì lo ngại các khoản thua lỗ tín dụng sẽ tiếp tục bị phình to và giá dầu sẽ làm xói mòn lợi nhuận.

Chỉ số MSCI-châu Á - Thái Bình Dương mất 0,8%, còn 143,66 điểm, đẩy con số mất mát trong năm 2008 lên mức 9%. Tuần này, Nikkei 225 của Nhật giảm 0,9% và các thị trường khác trong khu vực đều đi tụt lùi, ngoại trừ Đài Loan, Indonesia và New Zealand.

Millea, công ty bảo hiểm số 1 tại Nhật lùi 7,7%, xuống mức 3.700 Yên, đây là con số tổn thất trong tuần lớn nhất của cổ phiếu này kể từ 14/12. Mitsui Sumitomo Insurance, công ty bảo hiểm lớn thứ hai tính theo giá trị thị trường giảm 5,9%, chỉ còn 1005 Yên.

Tuần này, chỉ số MSCI của châu Á - Thái Bình Dương - hàng thiết yếu mất 3,5%, mức giảm sâu nhất trong 10 nhóm ngành của hàn thử biểu này sau khi giá dầu thô leo lên độ cao kỷ lục 101,32 USD/thùng, đỉnh cao nhất kể từ phiên giao dịch đầu tiên năm 1983.

Bloomberg đánh giá, Việt Nam-Index thị trường chứng khoán Việt Nam là chỉ số hoạt động yếu kém nhất trong 90 hàn thử biểu của hãng tin tức này. Tổ chức này cũng nhận định: “Tuần qua, Việt Nam đã mất 16% và rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2006 có nguyên nhân từ việc các ngân hàng cắt giảm các khoản cho vay đầu tư chứng khoán và quốc gia này đang cố gắng làm chậm lại tốc độ lạm phát vốn đang ở ngưỡng cao nhất trong 12 năm qua”.

(Theo TBKTVN)