Kết thúc năm tài chính, hàng loạt Cty niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh và bắt đầu thực hiện chốt danh sách để tổ chức ĐHCĐ thường niên. Những vấn đề quan trọng nhất mà NĐT quan tâm dường như vẫn chỉ là kết quả lợi nhuận và cách thức "chia phần" sao cho có lợi nhất.

Những vấn đề về quản trị hay phương hướng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh mới... vẫn là chuyện của giới lãnh đạo!

Nhà đầu tư hay cổ đông?

Mua CP của một Cty niêm yết tức là đầu tư vào Cty đó và dĩ nhiên trở thành cổ đông. Câu hỏi rất dễ trả lời. Tuy nhiên, thực tế lại không hẳn như vậy.

Hoạt động đầu tư trên TTCK hiện nay đa số là ngắn hạn và mục đích quan trọng nhất là lãi vốn, thậm chí cổ tức cũng bị gạt sang một bên. Việc nắm giữ CK chủ yếu với kỳ vọng chênh lệch giá thì nhiệm vụ sử dụng quyền cổ đông đóng góp cho sự phát triển mang tính dài hạn của DN ít được coi trọng.

Một trong những biểu hiện dễ thấy nhất là tình trạng lười đi họp cổ đông hoặc không tham gia trả lời các vấn đề mà DN tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản.

Trong một lần Hiệp hội DN niêm yết tổ chức giao lưu với NĐT, chủ tịch một DN lớn đã phải than thở trước việc Cty gửi văn bản lấy ý kiến tới cổ đông nhưng tỉ lệ trả lời rất thấp. Thậm chí có NĐT còn cho rằng các việc lớn của DN trước sau gì chẳng phải thông báo qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc công bố thông tin qua Sở, TTGD!

Tuy nhiên, sự thờ ơ của cổ đông nhiều khi cũng gián tiếp gây ra thiệt hại cho chính mình. Khi cơ hội nói lên tiếng nói bảo vệ quyền lợi bị bỏ qua và việc uỷ quyền "hết cỡ" cho HĐQT thì trước những quyết định bất lợi cho cổ đông, NĐT sẽ rơi vào tình thế "há miệng mắc quai".

Năm 2007 không thiếu những ví dụ về các đợt phát hành "quái dị" khi phần ưu đãi quá lớn được dành cho cổ đông lớn với mức giá hữu nghị một cách đáng ngờ trong khi NĐT khác chỉ được mua theo giá chiết khấu không đáng kể; hay như việc điều chỉnh giá phát hành thêm của một quỹ đầu tư trở thành một tiền lệ không đẹp.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội NĐT tài chính (Vafi), nhiều NĐT bám sàn không quan tâm tới việc tham gia ĐHCĐ vì họ nghĩ rằng họ không đầu tư lâu dài trong DN, nhưng họ chưa nghĩ rằng chơi CK đã ngấm vào trong máu của họ và rằng để cho cuộc chơi ngày càng hấp dẫn thì môi trường đầu tư cũng như việc quản trị DN phải ngày càng tốt lên. Việc có thành viên độc lập trong HĐQT cũng chưa được DN quan tâm.

Vafi mới đây cũng đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm tăng cường công tác quản trị DN tại các Cty đại chúng. Vấn đề lấy ý kiến bằng văn bản được xem là hình thức không hiệu quả, nhất khi DN đánh đồng cả số không gửi ý kiến phản hồi là số người nhất trí thông qua.

Theo Vafi, việc tăng VĐL, phát hành CP ưu đãi cho NLĐ, việc xét duyệt các dự án đầu tư, lên kế hoạch thưởng tiền mặt cho NLĐ là những vấn đề rất quan trọng, đồng thời cũng ảnh hưởng đến giá giao dịch và từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và lòng tin của NĐT.

Những vấn đề quan trọng này không nên được biểu quyết bằng thư lấy ý kiến, mà nhất thiết phải được biểu quyết tại ĐHCĐ. Đặc biệt việc thông qua các kế hoạch phát hành thêm CP với mục đích huy động vốn cho dự án mới lâu nay được quyết định một cách rất nhanh chóng.

Đây cũng là điều dễ hiểu khi đa số cổ đông chỉ nhìn thấy cơ hội sẽ được chia thưởng hoặc mua ưu đãi một tỉ lệ nào đó trong khi rất ít ý kiến phản biện liệu dự án đó hiệu quả đến mức nào.

Hạn chế này đến từ hai phía: Không nhiều NĐT có đủ trình độ thẩm định dự án hoặc cho rằng tiếng nói của mình không được chú ý, đồng thời, dự án cũng không được DN thuyết trình một cách kỹ lưỡng và cho cổ đông thời gian nghiên cứu.

Ông Hải cho rằng phản biện là vấn đề cần được chú ý nhằm tránh tình trạng như hiện nay một số DN nhân việc huy động vốn dễ dàng đã "đẻ" ra nhiều dự án mà có thể không tính tới tính khả thi hay khả năng quản trị.

Nên có tiêu chuẩn nắm giữ đối với lãnh đạo DN

Hiện tượng thành viên HĐQT, ban Kiểm soát liên tiếp bán ra CP là nỗi bức xúc của NĐT. Đặc biệt rất nhiều quyết định bán khối lượng lớn lại được tung ra đúng lúc thị trường trượt dốc thê thảm.

Những lý do chào bán cũng rất dễ bực mình như "cân đối tài chính cá nhân" hay "đáp ứng nhu cầu tài chính", "giải quyết việc gia đình"... Mặc dù hành động này không phạm luật nhưng lại ảnh hưởng lớn tới tâm lý và niềm tin của NĐT.

Theo Vafi, để tăng cường trách nhiệm của các thành viên HĐQT, ban kiểm soát nên có tiêu chuẩn vật chất đối với những đối tượng này nhằm tác động đến cộng đồng các NĐT và đòi hỏi tiêu chuẩn cao cho các thành viên HĐQT.

Chẳng hạn với DN có chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dưới 10 tỉ đồng, thành viên HĐQT sẽ nắm giữ CP trị giá 800 triệu đồng, thành viên ban kiểm soát nắm giữ 400 triệu đồng. Lợi nhuận sau thuế từ 10 - 30 tỉ đồng, mức nắm giữ có thể là 1,5 tỉ đồng...

Theo ông Hải, tiêu chuẩn tối thiểu mà Vafi đưa ra so với nhiều DN thì không phải là mức lớn, thậm chí còn thấp hơn nhiều so với thực tế. Việc khuyến nghị các DN áp dụng đại trà không phải là dễ nhưng vấn đề này cần được bàn luận đồng thời có những văn bản quy định cụ thể.

(Theo LaoDong)