Khép lại một tháng sụt giảm triền miên, thị trường hướng tới tháng 3 nhưng không nhiều sáng sủa. Phiên cuối cùng của tháng 2, VN-Index xuống mức 663,3 điểm - ngoài sức tưởng tượng của nhiều nhà đầu tư.

Tháng 2: Mua hôm nay… lỗ ngay ngày mai!

Về điểm số, đây là tháng cắt ngắn từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng không hạn chế được đà giảm mạnh hiếm có chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Đáng chú ý là VN-Index giảm tới 130 điểm trong tuần thứ hai, đánh dấu mất 500 điểm trong vòng một năm trở lại đây - điều chưa từng có trong lịch sử 8 năm hoạt động.

Diễn biến này được xem là sự “cân xứng ngược” với tốc độ tăng điểm chóng mặt vào cuối năm 2006 đầu năm 2007 của thị trường.

Ngoài điểm số, tháng 2/2008 là tháng khá đặc biệt, khi thị trường thể hiện rõ nét nhất của các yếu tố tác động về vĩ mô. Chưa bao giờ ảnh hưởng của lạm phát lại đáng lo ngại đến như vậy; cũng chưa bao giờ tâm lý nhà đầu tư hoang mang như vậy và chính sách tiền tệ tác động mạnh như vậy. Đây cũng là 3 nguyên nhân chính giải thích cho diễn biến trong tháng 2.

Sau hai tháng, lạm phát tăng tới 6,02%, đặt mục tiêu khống chế cả năm trở nên mong manh và thúc ép Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp mạnh trong thời gian tới.

Việc tăng dự trữ bắt buộc, kế hoạch phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc, Quyết định 03 thay thế Chỉ thị 03 về cho vay đầu tư chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước đã tác động mạnh đến cả thị trường ngân hàng lẫn chứng khoán. Khó khăn về vốn VND là nét nổi bật đầy lo ngại trong tháng 2 này.

Ở nguyên nhân thứ hai, nguồn cung dồn dập từ các đợt IPO lớn, doanh nghiệp phát hành thêm, thậm chí cả trả cổ tức, thưởng cổ phiếu cũng trở nên đáng ngại.

Cụ thể hóa là sức ép buộc phải hoãn IPO Habeco, một loạt cuộc đấu giá thất bại, hầu hết các doanh nghiệp chào sàn trong tháng đều chịu cảnh nằm sàn, đặc biệt là cổ phiếu Điện Quang trên sàn TPHCM.

Nguyên nhân thứ ba được xác định ở yếu tố tâm lý. Đà giảm quá sâu và kéo dài dẫn đến một thực trạng là mua hôm nay lỗ ngay ngày mai, cùng với những định hướng chính sách thiếu cụ thể và hiện thực đẩy tâm lý nhiều nhà đầu tư vào hoang mang, mất niềm tin.

Nhiều tài khoản đã “đóng băng” hoặc chuyển vốn sang cơn sốt vàng nổi bật trong tháng, hoặc hưởng siêu lãi suất tại ngân hàng thương mại.

Trong tháng 2, có những thời điểm thị trường tưởng chừng có khả năng "cắt cơn", nhưng nỗ lực phục hồi rõ rệt nhất ở tuần thứ 3 bị “vùi dập” bằng quyết định tăng giá bán xăng, dầu với hệ lụy là lạm phát có khả năng bùng phát trong những tháng tới.

Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa thực sự hết hy vọng khi cuối tháng, dấu hiệu “cứu” giá xuất hiện ở đà mua vào của khối đầu tư nước ngoài, khi nhà quản lý tiếp tục có những thông tin định hướng hỗ trợ…

Tháng 3 sẽ vẫn “lình xình”?

Thị trường chuẩn bị mở đầu tháng mới với những tín hiệu từ phiên họp thường kỳ của Chính phủ (định hướng tiếp tục cho vay đầu tư chứng khoán, tiếp tục hỗ trợ thị trường phát triển ổn định) và cả tin đồn về việc mở “room” tại các ngân hàng.

Nếu như thị trường đã quá quen với những thông tin định hướng của nhà điều hành, thì tin đồn mở “room” rộ lên trong ngày 29/2 thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Nhưng sự chú ý đó ở thế dè chừng, bởi chưa bao giờ nhà đầu tư thận trọng như lúc này.

Có thể thấy giá cổ phiếu của hai ngân hàng đang niêm yết là ACB và STB những phiên cuối tháng xoay quanh mốc tham chiếu, không giảm mạnh như hầu hết các mã trên sàn, khiến tin đòn trên càng có cơ sở.

Nhưng điều đó chưa thể củng cố tính xác thực. Nhiều nhà đầu tư tỏ quan điểm thà chậm chân chờ tin đồn được chứng minh, còn hơn vào cuộc sớm đón đầu, bởi hiện nay cứ mua vào là có thể lỗ ngay.

Nhưng nếu việc tăng “room” hiện thực vào đầu tháng 3, cụ thể là đầu tuần tới thì diễn biến chung có thể thay đổi. Tuy nhiên, triển vọng cả tháng tới vẫn không mấy sáng sủa.

Về các mốc kỹ thuật, theo nhận định của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), 710 điểm sẽ trở thành mức kháng cự đáng kể trong tháng 3, trong khi mức chặn dưới 590 của biên dưới được coi như một mức hỗ trợ hợp lý.

Vượt lên trên 710 điểm, VN-Index sẽ có cơ hội đảo chiều để rộng đường tiến tới 800 điểm. Ngược lại, nếu xuống sâu hơn 590 điểm (một cách chắc chắn), thì khả năng nhà đầu tư cần tính đến phương án cơ cấu lại danh mục đầu tư trong dài hạn là không thể tránh khỏi.

Về các yếu tố vĩ mô, như đã nói ở trên, lạm phát vẫn là quan ngại lớn nhất hiện nay. Sau lạm phát là sức ép đối với Ngân hàng Nhà nước trước các biện pháp mạnh hơn trong thắt chặt tiền tệ.

Lãi suất trên thị trường ngân hàng dự báo vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, thị trường vàng đầu tư tiếp tục hấp dẫn sẽ thu hút đáng kể dòng vốn của thị trường chứng khoán.

Các đợt IPO và phát hành thêm cũng sẽ tiếp tục được triển khai, đặc biệt là 34,77 triệu cổ phần của Habeco, trong khi việc dãn lộ trình theo định hướng của các nhà điều hành vẫn chưa có thông tin cụ thể.

Tâm lý của nhà đầu tư đã trải qua một chuỗi thất vọng và hoang mang. Khi hướng phục hồi chưa hé mở, tháng 3 sẽ chứng kiến đà bán ra mạnh mẽ theo hướng cơ cấu lại danh mục của nhiều nhà đầu tư, vốn đã bám trụ trong thời gian qua; đáng lo ngại hơn là khả năng nhiều người trong số họ sẽ tạm rời bỏ thị trường để chuyển sang các kênh đầu tư khác.

Ngược lại, thị trường vẫn đặt nhiều kỳ vọng ở khả năng mở “room” tại các ngân hàng thương mại để ACB và STB tạo lực kéo thị trường quay đầu. Định hướng tiếp tục cho vay đầu tư chứng khoán, khả năng ngoại tệ được Ngân hàng Nhà nước mua mạnh hơn hai tháng đầu năm, cùng với những điều chỉnh chính sách vĩ mô vẫn đang được kỳ vọng.

Và trên thực tế, khi hệ số P/E trên sàn niêm yết đã giảm xuống 15 – 17 lần, thậm chí xuất hiện những mã thấp hơn 10 lần, được đánh giá là hấp dẫn để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục cho đầu tư dài hạn.

(Theo VnEconomy)