Siết chặt biên độ là sáng kiến của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), được UBCKNN chấp thuận, nhằm hạn chế đầu cơ ngắn hạn trên TTCK.

Phóng viên cafeF đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hải - chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết quan điểm của mình về việc Uỷ ban chứng khoán chấp thuận cho Hose, và Hastc điều chỉnh lại biên độ dao động giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ ?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Trước hết, giải pháp thu hẹp biên độ 2 sàn xuống +/- 1 % và +/- 2% là sáng kiến của thành viên VAFI. Từ sáng kiến này chúng tôi cũng kiến nghị với Uỷ ban chứng khoán nhà nước và được chấp nhận. Giải pháp này đưa ra hoàn toàn phù hợp với luật chứng khoán hiện nay.

Mục tiêu của việc thu hẹp biên độ này làm các nhà đầu tư trấn tĩnh lại, tránh hiệu ứng bán tháo cổ phiếu.

Mục tiêu thứ hai là ngăn chặn trào lưu đầu cơ giá xuống. Trào lưu này không có tính tổ chức, các nhà đầu cơ nghĩ rằng bán hôm nay để ngày sau mua được giá rẻ hơn. Nhưng làm như vậy rất nguy hiểm cho thị trường chứng khoán.

Những mục tiêu như vậy hạn chế nguồn cung cho thị trường chứng khoán. Nguồn cung ở đây là làn sóng bán tháo cổ phiếu và nếu thị trường giảm lại tiếp tục có những nguồn cung về cổ phiếu cầm cố lại tiếp tục được tung ra.

Một mục tiêu nữa là để cho thị trường chứng khoán nhanh chóng ổn định và đi vào thế phát triển bền vững. Cụ thể nhằm hạn chế bớt những giao dịch đầu cơ ngắn hạn, chẳng hạn như mua khống T+3 hay gọi là đầu tư lướt sóng. Giải pháp này thúc đẩy đầu tư dài hạn hơn, hạn chế đầu tư lướt sóng.

Trong thời gian này khi thị trường chưa ổn định nên áp dụng quy định này trong thời gian ngắn là giải phát tình thế rất tốt.

PV: Thưa ông, đứng về nhà đầu tư, biên độ nhỏ mà phí giao dịch vẫn như cũ có khiến nhà đầu tư chịu thiệt? Và liệu tâm lý của nhà đầu tư sẽ thế nào, họ có bỏ chứng khoán để đầu tư vào một kênh khác hay không?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Theo tôi thì ở đây không có bất kỳ rủi ro nào. Thực tế đầu tư cổ phiếu nào hay giá nào đều do nhà đầu tư quyết định.

Mục tiêu giải pháp này là hạn chế giao dịch ngắn hạn, phổ biến là mua khống T+3. Hơn nữa, trong những kênh đầu tư thì ít nhà đầu tư chọn vàng, vàng chỉ để giữ. Bất động sản thì cũng kém sôi động, chủ yếu là do nhu cầu nhà ở. Theo tôi, mặt bằng giá chứng khoán bây giờ là vô cùng hấp dẫn (nhưng không phải đúng với tất cả mọi người).

Chính sách nhà nước đưa ra để định hướng cho các nhà đầu tư đư dài hạn hơn. Đối với những người đầu tư chứng khoán thì dù đầu tư thành công hay thua lỗ, dù lạc quan, bi quan thậm chí có lúc hoảng loạn nhưng nếu có giai đoạn đầu tư thành công họ cũng có niềm đam mê, không dứt được.

PV: Vậy theo nghiên cứu của ông, trong những trường hợp tương tự, kinh nghiệm xử lý của các nước khác như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Hải : Hiện nay, thị trường Việt Nam còn non trẻ, hệ thống cơ sở pháp lý của nhà nước còn phải tiếp tục bổ sung nhiều.

Xét về lực lượng đầu tư tính ở bình diện chung trong hệ thống các doanh nghiệp Việt Nam (cả OTC, cả niêm yết) thì nhà đầu tư cá nhân chiếm đông đảo, chắc khoảng trên 40%. Vì thế nên không tránh khỏi tâm lý bầy đàn mạnh.

Ở các nước có thị trường chứng khoán phát triển thì nhà đầu tư tổ chức là nòng cốt (khoảng 80-85%). Khi thị trường khủng hoảng nhà nước cũng can thiệp vào. Ví dụ như thị trường Mỹ, FED cũng cắt giảm lãi suất, bơm tiền vào; áp dụng chính sách về thuế; hay chính phủ đầu tư vào những doanh nghiệp chủ chốt ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán tránh ảnh hưởng Domino.

Thị trường chứng khoán ở Việt Nam có những đặc thù nên không phải cái gì mình cũng rập khuôn của các nước được. Trong bối cảnh hiện nay giải pháp thu hẹp biên độ cộng với những biện pháp ổn định thị trường của thủ tướng ban hành hôm 25.3 (theo công văn Số:1909/VPCP-KTTH) sẽ giúp cho thị trường chứng khoán đi vào ổn định.

(Theo CafeF)