Việc UBCKNN quyết định để hai sàn giao dịch Hà Nội và TP.HCM thu hẹp biên độ giao dịch từ 10 và 5% xuống 2 và 1% thể hiện rõ sự bức bách của cơ quan quản lý nhà nước trước sự sụt giảm ghê gớm của TTCK thời gian qua.

Đây là biện pháp hành chính phải khẳng định rằng ở trong thế cực chẳng đã cơ quan quản lý nhà nước mới phải ban hành.

Thu hẹp biên độ giao dịch sẽ đem lại điều gì cho thị trường chứng khoán? Về mặt lý thuyết thì nó sẽ giúp cho sự sụt giảm ở mức phi mã đang diễn ra chậm lại trong trường hợp thị trường tiếp tục đi xuống.

Còn nếu thị trường quay đầu tăng giá trở lại thì tính hấp dẫn cũng bị giảm đi tương tự.

Nhưng nếu nhìn nhận một cách tổng thể thì biện pháp này gây tác động rất xấu đến lòng tin và sự hy vọng nơi nhà đầu tư - một trong những cơ sở quan trọng bậc nhất để thị trường chứng khoán trỗi dậy.

Thứ nhất, với những nhà đầu tư đã lỡ mua vào ở thời điểm cách đây 10 phiên giao dịch chẳng hạn, gần như cổ phiếu của họ đã trải qua 10 phiên giảm sàn.

Nay, nếu đầu tư thêm tiền để cứu chính mình và cứu thị trường chứng khoán, với biên độ giao dịch mới, giả sử thị trường đều đặn tăng trần thì phải chờ thêm 50 phiên giao dịch nữa chứng khoán họ mua mới về mức giá đã mua vào trước đây. Nếu tạm coi đây là điểm hoà vốn thì cũng rất ít người có đủ kiên nhẫn để đeo đuổi bởi khoảng thời gian quá dài.

Thứ hai, với các nhà đầu tư tiềm năng, nếu như họ xác định thời điểm hiện tại đã là mức đáy của thị trường và họ sẽ đầu tư – nhân tố quan trọng bậc nhất để vực dậy thị trường- thì với biên độ quá hẹp như vậy, sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán đã giảm đi rất nhiều đối với họ.

Cả hai yếu tố trên khiến cho tính thanh khoản của thị trường chứng khoán bị yếu đi rất nhiều. Tính thanh khoản yếu thì cổ phiếu cũng gần như…giấy lộn!

Mặt khác, chiều 25/3 Thủ tướng đã chỉ đạo hàng loạt biện pháp quan trọng nhằm ổn định thị trường chứng khoán. Hàng loạt các yếu tố khác có thể sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán đã và đang hiện diện như lãi xuất huy động vốn giảm và còn có thể giảm thêm trong tương lai; hầu hết giá chứng khoán tại các thị trường lớn trên thế giới và châu Á đều tăng điểm mạnh; giá vàng đang xuống; các phiện pháp kìm chế lạm phát bắt đầu phát huy tác động; Chính phủ vẫn quyết liệt chỉ đạo các biện pháp để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế; đa số doanh nghiệp niêm yết đều có lãi không nhỏ…

Mặt khác, nếu nói riêng về thị trường chứng khoán thì như nhiều người cũng đã phát biểu trên báo chí “mưa mãi thì cũng phải đến lúc nắng”.

Giá cổ phiếu đã giảm đến mức có thể đầu tư và thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường duy nhất mà các nhà đầu tư nước ngoài còn đang đổ tiền vào mua cổ phiếu.

Vì thế, nếu bình tâm lại để nhìn nhận những yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thì có lẽ biện pháp thu hẹp biên độ giao dịch được công bố từ trưa ngày 25/3 là khá vội vàng.

Lẽ ra, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nên chờ thêm những tác động của nhiều nhân tố nói trên đối với thị trường chứng khoán trong những ngày tới.

Nếu thị trường “nắng lên” thì không có gì đáng bàn. Còn nếu thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh, sau một số phiên nữa, biện pháp thu hẹp biên độ giao dịch được đưa ra thì cũng chưa phải là muộn.

(Theo VietnamNet)