Việc Uỷ ban Chứng khoán quyết định siết biên độ có lẽ đã được hoạch định từ trước, và chỉ được chờ để tung ra khi VN-index chuẩn bị đâm thủng mức 500.

Về nguyên tắc thì việc siết biên độ tự nó không làm thay đổi khuynh hướng của thị trường, mà chỉ khiến các diễn biến xảy ra chậm hơn. Tuy nhiên, việc thị trường tăng hai phiên liên tiếp ngay sau khi chính sách được ban hành, cho thấy một số đặc điểm sau:

1. Nhà đầu tư có khuynh hướng tin rằng chính sách siết biên độ sẽ đem lại kết quả đáng mong muốn, tức là tạo ra một cái đáy nhân tạo và sau đó thị trường sẽ phục hồi đi lên. Mặc dù cơ sở kinh tế cho hiệu ứng này không nhiều, nhưng những gì được phản ánh trên thị trường (giá tăng) cho thấy niềm tin này hiện hữu trong giới đầu tư. Đây là một điều đặc biệt có lợi với những ai muốn thị trường hồi phục. (Phải nói rằng không phải tất cả mọi người đều muốn thị trường hồi phục, vì việc sụp đổ vẫn luôn là cơ hội ngàn vàng cho rất nhiều người).

2. Trước khi siết biên độ, do thị trường xuống dốc với một quán tính lớn, những người nắm giữ cổ phiếu (kể cả ngân hàng thương mại với các cổ phiếu thế chấp) bị mất bình tĩnh và gần như rơi vào trạng thái hoảng loạn, do đó xảy ra hiện tượng tháo chạy do thời gian không ủng hộ họ. Ngược lại, bên có khả năng mua (các quỹ trường vốn hoặc các nhà đầu tư đang nắm tiền mặt), ở vào thế thượng phong, nên rất bình tĩnh và không mua ngay cả khi giá đã xuống dưới mức giá trị thực, vì thời gian ủng hộ họ. Việc siết biên độ có ý nghĩa phân phối lại lợi thế thời gian giữa hai bên. Nếu cả bên bán lẫn bên mua cùng tin rằng chính sách siết biên độ sẽ làm thị trường hồi phục, bên bán sẽ ngừng bán và bên mua sẽ bắt đầu mua, và thị trường sẽ thực sự hồi phục.

Như vậy, về bản chất việc tăng giá sau khi có chính sách siết biên độ mang tính tâm lý cao độ, dựa trên kỳ vọng khá thống nhất của hầu như toàn bộ thị trường là chính sách này sẽ giúp thị trường hồi phục thành công. Đây là một lợi thế rất tốt cho uỷ ban Chứng khoán, người muốn thị trường hồi phục.

Tuy nhiên, để các kỳ vọng không bị tan biến và trở nên tiêu cực, một động thái kế tiếp hoặc đi liền với việc siết biên độ phải là tạm ngừng, hoặc giãn đến tối đa việc giải chấp chứng khoán cầm cố của các ngân hàng thương mại.

Điều này đã có trong gói chính sách của uỷ ban chứng khoán, tuy nhiên, việc thực thi phụ thuộc vào sự hợp tác của ngân hàng nhà nước và khối ngân hàng thương mại. Nếu khối ngân hàng ý thức được tầm quan trọng của việc kết hợp hai chính sách, họ nên làm càng sớm càng tốt, hoặc chính xác hơn, là ngay lập tức.

Nếu thị trường phục hồi, việc giải chấp có thể hoãn lại mà không gây nguy hiểm cho các ngân hàng, vì giá trị của cổ phiếu thế chấp họ nắm giữ sẽ tăng giá, thay vì giảm giá như vừa qua. Tuy nhiên, do khối lượng cổ phiếu nắm giữ có thể quá nhiều, các ngân hàng sẽ gặp vấn đề thanh khoản nếu không bán ra. Như vậy, đi liền với việc giãn giải chấp, thì cũng cần có các hỗ trợ về thanh khoản trong trường hợp cần thiết.

Thời gian vừa qua, thông tin các ngân hàng phải bán chứng khoán để giải chấp bất kể trạng thái thị trường ra sao, đã góp phần tạo nên kỳ vọng trên toàn thị trường là cung sẽ dư thừa và giá sẽ giảm. Vì có kỳ vọng này nên những người nắm cổ phiếu độc lập cũng hốt hoảng bán ra, và những người có khả năng mua vào cũng hoãn việc mua vào. Kết quả là, cung thực sự dư thừa và giá thực sự giảm, mặc dù có thể lượng cung chứng khoán giải chấp thực tế chỉ là một phần nhỏ trong tổng luồng cung.

Nếu niềm tin này vẫn tiếp tục được duy trì, sẽ không thể cứu vãn được thị trường bằng cách siết chặt biên độ. Tuy nhiên, một điều đáng ngạc nhiên (và đáng mừng) là thị trường đã đi lên, kể cả khi chính sách ngừng giải chấp chưa được công bố. Điều ấy cho thấy thị trường chưa kết nối hai sự kiện này với nhau. Nếu chính sách ngừng giải chấp được đưa ra sớm, trước khi kỳ vọng chung thay đổi, thì sẽ giúp thị trường phục hồi bền vững hơn và có thể ngừng siết biên độ.

Có thể nói, việc ngừng giải chấp mới là nguyên nhân chính giúp thị trường phục hồi, còn việc siết biên độ chỉ mang tính hình thức và có vai trò như một phanh hãm về tâm lý, hay giống như nắm chặt lấy một người đang trong cơn hoảng loạn. Nhưng nếu tiếp sau nghĩa cử an ủi đó, không có một giải pháp thực sự, thì rất có thể thị trường sẽ lại vùng ra và lao vào một cơn hoảng loạn mới.

(Theo SGTT)