Trong ngày 27-3, trong một văn bản giải thích lý do áp dụng việc điều chỉnh biên độ này, Ủy ban Chứng khoán nhà nước ( SSC ) cho rằng thời gian qua, dù Chính phủ và các bộ ngành liên quan rất nỗ lực đưa ra các giải pháp phát triển thị trường, nhưng thị trường vẫn suy giảm, VN-Index và HaSTC-Index liên tục mất điểm.

Tại nhiều nước khi thị trường có dấu hiệu suy giảm liên tục thì hệ thống ngắt mạch tự động (circuit breaking) sẽ đóng. Tại Việt Nam chưa có hệ thống này, hơn nữa việc tạm dừng giao dịch cũng chưa có tiền lệ và có thể ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của thị trường. Vì vậy trong khi tiếp tục nghiên cứu đưa ra các giải pháp tích cực hơn nữa thì việc Ủy ban Chứng khoán nhà nước tạm thời chấp thuận điều chỉnh biên độ giao dịch là hợp lý.

Trong khi đó, việc giảm biên độ giao dịch trước hết giúp nhà đầu tư trấn tĩnh lại trước các biến động bất thường của thị trường và có thời gian để đánh giá lại. Hơn nữa, VN-Index và HaSTC-Index sẽ không thể tăng, giảm với tốc độ cao liên tục trong một số phiên như thời gian vừa qua, tránh bán tháo cổ phiếu. Ngoài ra nó cũng sẽ tạo ra khoảng thời gian cần thiết để triển khai các giải pháp của Chính phủ. Đặc biệt là giảm bớt hoạt động giải chấp chứng khoán, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại chưa giải chấp các hợp đồng thế chấp, repo chứng khoán nhưng cũng không quá rủi ro cho ngân hàng.

Một trong những lý do phải thay đổi biên độ này, đó là nhằm giảm bớt hiện tượng nhà đầu tư "lướt sóng" khi tham gia thị trường. Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng thừa nhận rằng việc giảm biên độ có ảnh hưởng nhất định đến tính thanh khoản của thị trường, đến tâm lý của nhà đầu tư và một số vấn đề kỹ thuật trong hoạt động giao dịch. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời, khi thị trường có dấu hiệu ổn định trở lại và kết hợp với các giải pháp quyết liệt của Nhà nước chắc chắn việc điều chỉnh giảm biên độ này sẽ được bãi bỏ.

*Ngày đầu tiên áp dụng biên độ mới:

Trong phiên giao dịch ngày 27-3, ngày đầu tiên áp dụng biên độ giá mới, ngay trong đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa, bảng giá điện tử bao phủ một màu xanh với 109 mã CK tăng giá, trong đó có đến 105 mã tăng trần, chỉ có 10 mã giảm giá và 34 mã đứng giá. VN-Index kết thúc đợt này tăng 3,12 điểm (0,61%), đạt 507,79 điểm. Càng về cuối phiên giao dịch, NĐT càng tung lệnh ra mua ào ạt, hầu hết các mã CK đều dư mua trong khi bên bán lại khá dè dặt, VN-Index kết thúc phiên tăng 4,08 điểm (0,8%), đạt 508,75 điểm.

Khối lượng đặt mua phiên này khá lớn với gần 35 triệu CK, trong khi đặt bán giảm mạnh, chỉ có hơn 6,1 triệu CK, giảm hơn 79% so với phiên trước đó. Khối lượng khớp lệnh đạt thấp, chỉ hơn 5,9 triệu CK.

Tại sàn CK Hà Nội, Hastc-Index phiên này tăng nhẹ với 0,57 điểm (0,33%), đóng cửa ở mức 175,88 điểm. Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 739.500 CK, giảm đến 91,06% so với phiên trước đó, và tổng giá trị đạt 29,124 tỉ đồng, giảm 91,11%.

Theo nhiều NĐT, diễn biến trong phiên giao dịch ngày 27-3 cho thấy các ngân hàng và công ty CK đã ngừng hoặc hạn chế xả hàng. Theo anh Huỳnh Văn Mỹ- NĐT tại sàn CK Đại Việt, phiên giao dịch này không còn chứng kiến cảnh các loại cổ phiếu được cầm cố, repo nhiều bị đổ ra bán với khối lượng lớn như những phiên giao dịch trước đó.

*Nhà đầu tư với biên độ mới

Sáng 27-3, chủ đề được khá nhiều nhà đầu tư (NĐT) bình luận là biên độ giá mới tại sàn TP.HCM (+/-1%) và Hà Nội ( +/-2%).

- Đã an tâm để mua vào: Theo anh Đức Hùng- NĐT tại sàn chứng khoán ACBS, những NĐT có kế hoạch đầu tư lâu dài trên thị trường, đặc biệt là những NĐT từng bán ra chứng khoán ( CK ) trước đây chắc chắn sẽ trở lại để mua vào. "Với biên độ dao động được thu hẹp, nhiều NĐT sẽ không còn quá lo lắng về nguy cơ thua lỗ đậm, kể cả trong bối cảnh thị trường liên tục giảm nên sẽ cảm thấy an tâm hơn khi mua vào...", anh Hùng nói.

- Không vội bán ra: nhiều NĐT cũng khẳng định sẽ không vội bán ra CK trong thời điểm này, dù giá CK có tăng liên tục 5-7 phiên, do khoản tăng này hầu như không đáng kể, nhất là trong bối cảnh giá của nhiều CK đã sụt giảm 40-50% so với mức giá vào cuối tháng trước.

- "Lướt sóng" không còn đất làm ăn: Anh Trần Thanh Phong-một NĐT chuyên "đánh hàng" tại sàn Hà Nội - cũng thừa nhận sân chơi CK đang thuộc về những NĐT dài hạn, đặc biệt là các tổ chức, trong khi những NĐT chuyên "lướt sóng để kiếm ăn" trên thị trường không còn đất sống vào thời điểm này. Theo anh Phong, giá CK đã rớt mạnh trong thời gian qua, nhiều tay "lướt sóng" cũng chấp nhận ôm hàng nằm chờ với hi vọng thị trường sẽ phục hồi.

(Theo TuoiTre)