Thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư âu lo. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư lâu dài, sống bằng cổ tức được coi là phương án đầu tư giá trị tốt nhất.

Lướt sóng về "mo"

Năm 2007 đã có nhiều giai đoạn thị trường lên xuống liên tục, đó chính là thời điểm vào cuộc của các tay lướt sóng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tổng kết cả năm, một ông "đánh ngắn" thở dài: "nhảy ra, nhảy vô" cuối cùng vẫn lỗ. Nhà đầu tư này cho biết, thời điểm thị trường đang "hot" với các cổ phiếu (CP) mới lên sàn, ông cũng mạnh tay mua vào CP VIC với giá 160.000 đồng/CP, chỉ trong thời gian ngắn, CP này lên tới 193.000 đồng/CP, ông lập tức bán ra. Với 2.000 CP, ông thu hoạch trên 60 triệu đồng. Thấy CP VIC lên xuống liên tục, ông lên kế hoạch lướt sóng CP này. Đợi đến lúc VIC xuống 180.000 đồng/CP, ông mạnh tay mua vào 3.000 CP và ngồi chờ lên giá. Lần này trái ngược với dự đoán của ông, những ngày sau đó VIC liên tục giảm giá. Cầm cự đến ngày VIC còn 154.000 đồng/CP, ông đành bán ra để "cắt lỗ" vì thấy thị trường khó có dấu hiệu phục hồi. Số tiền thâm hụt cho 3.000 CP này lên tới gần 80 triệu đồng. "Cộng trừ trước sau mình vẫn lỗ khoảng 20 triệu đồng" - ông kết luận. Đây là tình trạng của khá nhiều người đánh ngắn trong năm 2007. Một nhà đầu tư khác tên Tri tại TP.HCM cũng tương tự, chọn CP hàng hiếm đình đám năm 2007 là BMC để lướt sóng. Ngay sau phiên mua vào, CP này vùn vụt tăng trần 3 phiên liền khiến anh Tri tràn đầy niềm tin và hy vọng. Tuy nhiên, đến lúc anh có hàng để bán ra cũng là lúc CP này mất giá liên tục. Đến lúc quyết định "cắt lỗ" để chuyển sang đánh CP khác, anh ngậm ngùi chia tay số tiền gần 40 triệu đồng trong tài khoản.

Sống bằng cổ tức

Thị trường sụt giảm, cửa cho dân lướt sóng đã hẹp lại. Theo các chuyên gia chứng khoán, đây là thời điểm dành cho các nhà đầu tư lâu dài. Hơn thế, các nhà đầu tư Việt Nam cũng nên tính đến việc sống bằng cổ tức qua việc đầu tư vào giá trị doanh nghiệp. Nghĩa là có thể đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ nhưng có tiềm năng phát triển tốt, doanh số và lợi nhuận đều đặn, lạc quan chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải "chọn mặt gửi vàng" ở những công ty lớn, thương hiệu mạnh.

Trên thực tế, sau một năm 2007 đầy khó khăn, không ít nhà đầu tư chuyển hướng từ đánh ngắn sang đầu tư lâu dài và coi cổ tức như một khoản lợi nhuận chắc chắn và an toàn. Đó cũng chính là lý do, mặc dù khan hiếm tiền mặt nhưng kết thúc năm tài chính 2007, nhiều doanh nghiệp vẫn trả cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông. Cụ thể, Công ty quản lý quỹ đầu tư Prudential VN (mã PRUBF1) đã quyết định chia cổ tức (từ tháng 10.2006 đến hết tháng 12.2007) cho nhà đầu tư theo tỷ lệ sở hữu một chứng chỉ quỹ PRUBF1 có thị giá tính tới ngày 21.2 là 9.800 đồng, sẽ được hưởng 1.500 đồng cổ tức bằng tiền mặt, một tỷ lệ khá khiến cho các nhà đầu tư sở hữu PRUBF1 cảm thấy được an ủi phần nào trong thời buổi chia cổ tức bằng CP "đến hẹn lại lên" hiện nay. Công ty cổ phần nước giải khát Sài Gòn (mã TRI) cũng thông báo, sẽ chi trả cổ tức năm 2007 với tỷ lệ là 15% (1 cổ phần được nhận 1.500 đồng).

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) cũng dự kiến chi trả cổ tức đợt 1 năm 2007 với tỷ lệ là 10%/mệnh giá (1.000 đồng/CP) vào ngày 18.3.2008. Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp Chương Dương (mã CDC) cho biết sẽ chia cổ tức năm 2007 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% (1 cổ phần được nhận 1.500 đồng)... Có thể nói, mức cổ tức 1.000 đồng - 1.500 đồng/CP không phải là cao nhưng trong hoàn cảnh thị trường giảm mạnh hiện nay thì mức cổ tức này cũng đủ để an ủi nhà đầu tư, nhất là trong hơn 300.000 tài khoản tại các công ty chứng khoán Việt Nam hiện nay, số lượng nhà đầu tư nhỏ, lẻ rất lớn, trong đó có các nhà đầu tư là hưu trí, nội trợ, nhân viên văn phòng... và việc chia cổ tức cuối năm được coi như "tiền bỏ ống tiết kiệm". Nếu như các nhà đầu cơ sống dựa trên việc lướt sóng và những phen đánh ngắn khi thị trường lên xuống thì tại sao các nhà đầu tư lâu dài không thể sống bằng cổ tức với một danh mục đầu tư hợp lý?

(Theo ThanhNien)