Những tin tức gần đây về việc “cứu chứng khoán” của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) một lần nữa nhắc đến vai trò to tát của công ty này với vốn điều lệ lên đến 15.000 tỉ đồng. Trong thế giới kinh tế thị trường, việc Nhà nước thành lập một công ty kinh doanh vốn nhà nước là điều hiếm có. Trước SCIC, có lẽ mới chỉ có một tiền lệ là Tập đoàn Temasek Holdings Limited được thành lập từ năm 1974 ở Singapore.

Về hoàn cảnh ra đời và cách thức hoạt động của công ty nhà nước chuyên kinh doanh vốn nhà nước này, Simon Claude Israel - quốc tịch New Zealand, thường trú tại Singapore, giám đốc điều hành kiêm thành viên hội đồng quản trị tập đoàn này - trong chuyến sang Mỹ để lobby cho các dự án đầu tư của tập đoàn này đã giới thiệu trước Quốc hội Mỹ hôm 5-3 vừa qua như sau:

“... Trong những năm ngay sau tuyên cáo độc lập vào năm 1965, Chính phủ Singapore đã liên doanh đầu tư vào một số xí nghiệp mới trong nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm. Là một nước nhỏ mới độc lập, lại sống trên một hòn đảo nhỏ không có tài nguyên thiên nhiên, Singapore không có chọn lựa nào khác ngoài việc đảm bảo rằng những vụ đầu tư đó, về mặt kinh doanh, sẽ tồn tại được và bền vững.

Yêu cầu này được giao cho tiến sĩ Goh Keng Swee - phó thủ tướng, “kiến trúc sư” của công cuộc phát triển kinh tế và kỹ nghệ của Singapore. Nỗ lực tập trung vào các vụ đầu tư “ăn chắc mặc bền” của ông còn được tăng cường vào năm 1974 khi Chính phủ Singapore thành lập Tập đoàn Temasek, giao tập đoàn này trách nhiệm làm chủ sở hữu và quản lý khoảng 30 vụ đầu tư khởi nghiệp. Việc thành lập Temasek nhằm phục vụ yêu cầu tách biệt vai trò điều hòa và đề ra chính sách của chính phủ khỏi vai trò kinh doanh...”.

Để thuyết phục Quốc hội Mỹ, Simon Claude Israel nhấn mạnh: Temasek lúc đó và ngày nay, sau 36 năm thành lập, luôn được quản lý bởi “kỷ luật thương trường” với mục tiêu “ăn chắc mặc bền” (tạm dịch: commercially viable and sustainable). Và chìa khóa thành công của Temasek, hiện đang làm chủ một tích sản lên đến 110 tỉ USD, chính là do có sự lãnh đạo tốt với sự tiếp sức của một ban cố vấn quốc tế tên tuổi, trong đó có một phó chủ tịch của Tập đoàn dịch vụ tài chính Merrill Lynch và một chủ tịch sáng lập của một tập đoàn tài chính Mỹ.

Simon Claude Israel dẫn lời “cha đẻ” của công cuộc phát triển của Singapore là tiến sĩ Goh Keng Swee: “Một trong những ảo tưởng tai họa mà nhiều nước thuộc thế giới thứ ba đang nuôi dưỡng là quan niệm cho rằng các nhà chính trị và các quan chức có thể đảm nhận thành công các vai trò kinh doanh. Cho dù có phải đứng trước thực tế ngược lại hoàn toàn thì càng lạ lùng là người ta vẫn cứ tin vào ảo tưởng đó”.

Trong thực tế, hiếm có thành viên nào của Temasek xuất thân là quan chức chuyên nghiệp. Ngay cả êkip quan chức kinh tế đầu tiên vào những năm đầu của Nhà nước Singapore cũng xuất thân là những nhà kinh tế học khoa bảng hay nhà kinh doanh cha truyền con nối. Êkip lãnh đạo Temasek càng không có đầu óc “công chức” hoặc “cửa quyền thư lại” quen “mệnh lệnh cách”, mà luôn mang đầu óc entrepreneurship (tạm dịch: đầu óc doanh nghiệp trong mọi ý nghĩa của nó).

Tính chuyên nghiệp của Temasek còn ở nơi tính “quốc tế” của đội ngũ nhân viên, trong đó 40% vị trí quản lý là người nước ngoài. Ngay cả đội ngũ nhân viên bản địa cũng vào hàng cao cấp trên trường quốc tế, tỉ như giám đốc điều hành bậc cao Vijay Parekh từng là phó chủ tịch Ngân hàng American Express.

Có thể thấy gì từ kinh nghiệm của Temasek? Có ý kiến nghiêng về “nhân bản” Temasek. Song, vấn đề là liệu có “nhân bản” được hai đặc tính “kỷ luật thương trường” và “tính chuyên nghiệp” hay không?

Kinh nghiệm và sách vở cho thấy ở các nước tư bản, thương gia nhảy vào chính trường làm bộ trưởng thì đầy, còn bộ trưởng hay thứ trưởng chuyên nghiệp nhảy ra làm thương gia mà thành công được thì vô cùng hiếm...

Do lẽ thương trường không có chỗ cho “mệnh lệnh cách” vốn tự thân đã là duy ý chí. Khi người ta mang “gen thương gia” chứ không mang “máu quan chức”, người ta sẽ không có xu hướng ra luật (chơi) theo ý mình, mà là tôn trọng luật chơi. Bởi thế, Simon Claude Israel mới có thể tự tin phát biểu trước Quốc hội Mỹ: “Temasek có một bộ khung kỷ luật toàn diện liên quan đến lãnh đạo tốt và kỷ luật tài chính.

Một ủy ban đầu tư sẽ săm soi lượng giá mọi đề xuất đầu tư. Nếu ai đó có khả năng xung đột lợi ích sẽ bị đưa ra khỏi các thảo luận và quyết định. Temasek cũng không ngừng săm soi hoạt động tài chính của chính mình qua những đánh giá của các cơ quan lượng giá quốc tế và kiểm toán độc lập quốc tế...”.

Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) của VN, sinh sau đẻ muộn, nhất định sẽ nhanh chóng tìm cách hội đủ các đặc tính “kỷ luật thương trường” và “tính chuyên nghiệp” mà Temasek đã có. Bắt đầu là những kiểm toán độc lập quốc tế nhằm đánh giá mức độ “kỷ luật tài chính” của SCIC, những lượng giá độc lập về tính “ăn chắc mặc bền” của các dự án đầu tư cũng như xem có xung đột lợi ích (tức dự án đó có “dính líu” đến ai) hay không để tránh thất thoát vốn nhà nước.

Và do 15.000 tỉ đồng (xấp xỉ 1 tỉ USD) vốn điều lệ của SCIC là vốn của Nhà nước, tức từ tiền thuế của người dân, nên sẽ sớm cáo bạch với Quốc hội và quốc dân, người cấp vốn nguyên thủy cho SCIC.

(Theo TuoiTre)