Trong ngày 26-3, một số đơn vị đã triển khai các giải pháp của Chính phủ về bình ổn thị trường chứng khoán, chủ yếu là chưa giải chấp các hợp đồng cầm cố, repo chứng khoán và mua vào cổ phiếu quĩ.

Trong ngày 26-3, VN-Index và Hastc-Index phục hồi sau nhiều phiên mất điểm.

Sacombank mua lại 3-5% vốn điều lệ.

Ngày 26-3, ông Đặng Văn Thành - chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - cho biết đã gửi văn bản lên Ủy ban Chứng khoán nhà nước đề nghị cho phép Sacombank mua lại cổ phiếu STB tương ứng 3-5% vốn điều lệ. Sacombank cũng kiến nghị Ủy ban Chứng khoán nhà nước không nên xem động thái này như việc mua cổ phiếu quĩ bình thường, mà đây là biện pháp ổn định thị trường để không ảnh hưởng kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2008 của Sacombank. Hiện Sacombank có các quĩ được phép tham gia mua cổ phiếu quĩ lên đến 1.400 tỉ đồng. Dự kiến đầu tháng 4-2008 Sacombank sẽ thực hiện việc mua cổ phiếu này.

Ông Thành cũng cho biết Sacombank đã vận động các lãnh đạo của đơn vị này cũng như những cán bộ cao cấp mua vào cổ phiếu. Cho đến nay, chín cán bộ cao cấp của đơn vị này đã đăng ký mua 1,38 triệu cổ phiếu. Các cán bộ lãnh đạo không bị chi phối bởi việc công bố giao dịch đã đăng ký mua 2,136 triệu cổ phiếu STB.

Riêng ông Thành, sau khi đã mua 2 triệu cổ phiếu STB, tới đây cũng đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu.

Ông Thành cũng kiến nghị Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho phép các công ty niêm yết dự phòng khối lượng cổ phiếu quĩ tương đương một tỉ lệ nhất định của vốn điều lệ nhằm can thiệp vào thị trường lúc khan hiếm giả tạo và thừa giả tạo.

Như vậy, Sacombank là doanh nghiệp niêm yết đầu tiên thực hiện việc mua cổ phiếu quĩ nhằm ổn định thị trường theo cơ chế mà Thủ tướng đã cho phép trong cuộc họp chiều 25-3.

Chưa giải chấp chứng khoán

Trong ngày 26-3, Ngân hàng Nhà nước cũng đã họp với các ngân hàng thương mại nhà nước để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc quyết định chưa giải chấp các hợp đồng cầm cố, repo chứng khoán. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thông qua Hiệp hội Ngân hàng vận động thành viên là các ngân hàng cổ phần dừng giải chấp các hợp đồng cầm cố, repo chứng khoán.

Ngày 26-3, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã có văn bản yêu cầu Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội tạo điều kiện cho các công ty niêm yết có thể mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu quĩ.

Trường hợp công ty niêm yết chưa có báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận, chỉ cần yêu cầu công ty niêm yết mua lại cổ phiếu quĩ có cam kết bằng văn bản về nguồn vốn hợp pháp của công ty để mua lại số cổ phiếu quĩ đó theo qui định của pháp luật. Sau khi có báo cáo kiểm toán được chấp thuận, công ty niêm yết phải công bố thông tin ra thị trường.

Hôm nay, chứng khoán có biên độ giá mới

Xung quanh biên độ giá mới áp dụng tạm thời +/-1% cho sàn TP.HCM và +/-2% cho sàn Hà Nội áp dụng từ 27-3, ông Lê Đạt Chí - chuyên gia chứng khoán - cho rằng đây là việc làm cần thiết trong thời điểm hiện nay. Nó không chỉ đơn giản góp phần ngăn chặn đà tuột dốc của thị trường, mà giảm được một phần áp lực đè nặng lên nhà đầu tư.

Bởi lẽ nếu cứ tiếp tục mất 5% giá trị đầu tư sau mỗi phiên, nhiều nhà đầu tư chắc chắn sẽ đua nhau bán tháo cổ phiếu để hạn chế thua lỗ thêm. Với việc thu hẹp biên độ, áp lực này sẽ giảm, chắc chắn nhà đầu tư cũng bình tâm trở lại và hạn chế bán ra cổ phiếu.

Cũng theo ông Chí, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng phải linh động điều chỉnh biên độ này khi thị trường phục hồi, tránh gây ảnh hưởng quyền lợi của những người đang nắm giữ cổ phiếu.

Vì sao chưa giải chấp hợp đồng cầm cố, repo chứng khoán?

Theo qui định của các công ty chứng khoán, khi nhà đầu tư cầm cố cổ phiếu để vay tiền, trường hợp giá cổ phiếu giảm quá 35% thì người vay phải nộp thêm tiền đảm bảo khoản vay. Trường hợp khách hàng không có khả năng nộp thêm thì công ty chứng khoán vì lý do phải bảo toàn vốn và tuân thủ các qui định về phòng ngừa rủi ro nên phải bán chứng khoán đã cầm cố để thu hồi vốn. Đây là trường hợp bất khả kháng.

Tuy nhiên, việc liên tục bán ra chứng khoán cầm cố dẫn đến vượt quá sức mua của thị trường càng làm giá chứng khoán giảm thêm. Từ đây dẫn đến vòng luẩn quẩn: khi giá chứng khoán giảm thêm càng làm số hợp đồng cầm cố chứng khoán phải "xử lý” tăng lên, kéo lượng chứng khoán bán ra tăng bất thường vượt quá sức cầu của thị trường, kéo giá giảm...

Đó là nguyên nhân đẩy giá chứng khoán giảm liên tục trong thời gian từ 24-3 trở về trước. Nếu các ngân hàng và công ty chứng khoán tạm dừng giải chấp hợp đồng, khi đó cung cầu chứng khoán trên thị trường sẽ trở lại bình thường...

(Theo TuoiTre)