Tại hội thảo Thị trường vốn Việt Nam - Hướng tới tương lai do Phòng Thương mại châu Âu tổ chức mới đây tại TP.HCM, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khẳng định vẫn tiếp tục bỏ vốn vào kênh chứng khoán Việt Nam.

Bình chân như vại

Trong lúc giá cổ phiếu trên sàn đã rớt giá phân nửa, tại sao lại có nghịch lý này? Ông Kevin Snowball - Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Công ty Quản lý quỹ đầu tư PXP Việt Nam cho biết do phần lớn nhà đầu tư ngoại đầu tư trung và dài hạn nên trước mắt chứng khoán có sụt giảm mạnh cũng không ảnh hưởng. Hiện nay, nếu phân tích hệ số P/E (lợi nhuận/cổ phiếu) hay doanh thu của các công ty niêm yết trên sàn trong vài năm tới thì kênh chứng khoán Việt Nam vẫn rất hấp dẫn. Còn việc nhà đầu tư trong nước đang hoảng loạn là do đến hạn phải thanh lý các hợp đồng vay cầm cố chứng khoán. Vì thế nhân cơ hội này, các nhà đầu tư ngoại đang chờ giá cổ phiếu xuống thấp hơn nữa để mua vào.

Ông Dominic Scriven - Giám đốc Tập đoàn Dragon Capital cũng cho rằng hiện tại nhà đầu tư ngoại chịu khổ một chút khi nhiều cổ phiếu trên sàn rớt giá nhưng chỉ sau một, hai năm nữa chỉ số VN-Index sẽ lại lên cao. Vì đầu tư trung và dài hạn nên dự báo nhà đầu tư ngoại sẽ tiếp tục thắng lớn khi kênh chứng khoán bật trở lại. Điều này có cơ sở vì kênh chứng khoán Việt Nam là thị trường mới nổi, những nghiệp vụ như mua khống, bán thiếu chứng khoán chưa phát triển nên thị trường lên hay xuống nhanh là chuyện bình thường. Quan điểm của nhà đầu tư ngoại là VN-Index chỉ là con số nên dù có tăng hay giảm cũng không có ý nghĩa nếu đã xác định bỏ vốn vào dài lâu.

Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán thì tính đến ngày 3-3 có 9.820 nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã số giao dịch chứng khoán, trong đó có 600 tổ chức. Ghi nhận thị trường cho thấy nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vẫn còn ôm tiền chờ, chưa mua vì còn chọn cổ phiếu tốt chứ không phải rút vốn ra. Điều này có thể thấy khi tại nhiều nước ở châu Á, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ra thì Việt Nam lại là điểm đến của nhiều dòng vốn ngoại.

Mới đây, khi trên thị trường có tin đồn nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn tháo chạy, Ủy ban Chứng khoán nhà nước khẳng định không có chuyện trên. Ủy ban này cho biết qua kiểm tra lưu ký các thành viên nước ngoài thì số dư của nhà đầu tư ngoại không thay đổi. Ngay nhu cầu mua ngoại tệ cho thị trường chứng khoán của nhà đầu tư ngoại cũng không thay đổi. Còn trước lo ngại một số giao dịch ngoại hối chuyển khoản từ tiền đồng sang ngoại tệ tại một số ngân hàng được dư luận suy đoán là do nhà đầu tư ngoại rút tiền ra. Ủy ban Chứng khoán nhà nước khẳng định việc này không liên quan đến giao dịch chứng khoán.

Ra sức mua

Trong những phiên giao dịch gần đây, dù biên độ đã hẹp nhưng nhà đầu tư ngoại vẫn mạnh mua vào, thậm chí khớp lệnh không được thì quay sang mua bằng thỏa thuận. Ông Kevin Snowball - Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Công ty Quản lý quỹ đầu tư PXP Việt Nam cho biết các nhà đầu tư ngoại vẫn rất thích sở hữu cổ phiếu các ngành viễn thông, điện lực, ngân hàng hay những mã chứng khoán đang dẫn dắt trên sàn. Minh chứng cho việc này là mới đây, Ngân hàng ANZ thông báo mua lại hơn 3,4 triệu cổ phiếu SSI là một ví dụ.

Trong bản báo cáo phân tích về thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Fiachra Mac Cana - Giám đốc điều hành Công ty Chứng khoán TP.HCM tin tưởng kênh này sẽ bật mạnh trở lại khi nhà đầu tư cá nhân trong nước bớt sốc. Về thời điểm thị trường phục hồi, ông dự báo là mùa hè khi lạm phát được kiểm soát và chỉ số tiêu dùng (CPI) bắt đầu giảm. Thậm chí ông Fiachra Mac Cana còn dẫn ra những mã cổ phiếu tốt để các nhà đầu tư ngoại mua. Theo phân tích của ông, các cổ phiếu trên tốt là do những doanh nghiệp này đã tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, có tình hình tài chính, ban lãnh đạo tốt và đặc biệt luôn nằm trong tốp các cổ phiếu dẫn dắt thị trường.

Ghi nhận thị trường cho thấy nhiều nhà đầu tư ngoại không phải là tổ chức đang ráo riết mua vào cổ phiếu, còn việc họ chuyển đổi từ tiền đồng sang đô tại các ngân hàng chỉ là biện pháp phòng thủ khi thấy tỷ giá VND/USD tăng trở lại. Việc này khác xa tin đồn nhà đầu tư ngoại chuyển tiền đồng sang USD để rút vốn và lợi nhuận ra khỏi kênh chứng khoán.

(Theo PhapLuat)